Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Sản xuất công nghiệp luôn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao

Thứ Hai, 19/12/2016 16:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nhiều năm qua, sản xuất công nghiệp luôn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao, có vai trò là nền tảng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả tỉn Vĩnh Phúc.

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển vượt bậc sau 20 năm tái lập tỉnh. Ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh với phương châm lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh, chỉ đạo sát sao công tác phát triển công nghiệp và khu công nghiệp, năm 1998 trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 1 khu công nghiệp (KCN) với quy mô 50ha (KCN Kim Hoa), đến hết nay toàn tỉnh có 19 KCN nằm trong danh mục ưu tiên phát triển đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với diện tích là 5.540 ha, trong đó: đã có 12 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với 11 KCN được thành lập, tổng diện tích quy hoạch là 2.347,9 ha; diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch là: 1.667 ha. Tổng diện tích đất đã cho thuê, đăng ký thuê là 516,61 ha;  Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch đạt 30,99 %, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đã giải phóng mặt bằng đạt 69,96 %).

Hơn nữa, trong những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và khu công nghiệp của tỉnh như: Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 15/8/2006 về chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội. HĐND tỉnh đã ban hành một số Nghị quyết như: số 13/2004/NQ-HĐND ngày 25/5/2004 về hỗ trợ một số hạng mục hạ tầng các KCN; Nghị quyết số 15/2004/NQ-HĐND ngày 25/5/2004 về bố trí sử dụng đất làm dịch vụ cho các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp; Nghị quyết số 12/2010/NQ-HĐND ngày 30/8/2010 về hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015…

Đồng thời, tích cực thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách các thủ tục hành chính và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp của tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Kết quả sau 20 năm tái lập, tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh như tập đoàn điện tử Compal, Foxconn, Piaggio, Deawoo bus, gạch Prime, thép Việt Đức... và sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách tỉnh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu... cho tỉnh.

Cùng với phát triển các khu công nghiệp sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp làng nghề được quan tâm đầu tư phát triển, thông qua Chương trình khuyến công, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng đào tạo, truyền nghề, xây dựng các mô hình trình diễn,.....giúp các làng nghề bảo tồn và phát triển. Đến  nay  toàn tỉnh đã có 24/77 làng nghề được công nhận đạt chuẩn, ... Hầu hết các làng nghề sau khi được công nhận đều phát triển mạnh, phát huy tiềm năng, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều làng nghề truyền thống đã khẳng định được vị thế trên thị trường như: làng nghề nuôi và chế biến rắn Vĩnh Sơn; làng nghề chế tác đá Hải Lựu; các làng nghề mộc truyền thống ở Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ; làng nghề mây tre đan Cao Phong... Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn, chuyển từ lao động nông nghiệp sang làm nghề với mức thu nhập tăng cao.

M.P

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN