Vĩnh Phúc: Phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 38.500 ha trong vụ Đông Xuân 2020-2021
(ĐCSVN) - Trong vụ Đông Xuân 2020-2021, Vĩnh Phúc phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 38.500 ha. Trong đó, diện tích cây lúa 29.500 ha, diện tích cây ngô 2.200 ha; tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 196.625 tấn.
Ảnh minh họa (Ảnh: BT) |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 trên địa bàn tỉnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường. Trong đó, từ ngày 22-24/4/2020 trên địa bàn tỉnh chịu tác động của không khí lạnh và mưa lớn làm ảnh hưởng đến khả năng thụ phấn trên diện tích lúa trỗ sớm. Bên cạnh ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh COVID-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê, trong vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh đã gieo trồng được 29.886,6 ha lúa, đạt 101,31 % kế hoạch, năng suất lúa đạt 61,13 tạ/ha. Đối với cây ngô, đạt diện tích 2.207,6 ha, năng suất 51,4 tạ/ha; cây lạc có diện tích 1.629,2 ha,…Tổng giá trị sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 (tính theo giá thực tế) đạt trên 2.180 tỷ đồng.
Trong vụ Đông Xuân 2019-2020, địa phương đã tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Sở NN& PTNT đã chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ giống lúa năng suất chất lượng, hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp,… Riêng về hỗ trợ cơ giới hóa vào sản xuất, từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ 402 máy phục vụ sản xuất trồng trọt gồm: máy làm đất, máy lên luống, máy gặt đập liên hợp. Các loại máy được hỗ trợ đều được sử dụng hết công suất, mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất.
Đối với vụ Đông Xuân 2020-2021, theo dự báo, hiện tượng La Nina có khả năng sẽ duy trì từ nay cho tới những tháng đầu năm 2021. Nhiệt độ trung bình phân bố không đồng đều trong các tháng. Cụ thể, từ tháng 1 - 3/2021 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng tháng 11, 12/2020 nhiệt độ phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5-1,0 độ C. Đợt rét đậm rét hại đầu tiên có khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng từ 25-26/12/2020) và có khả năng gây ra 3 - 5 đợt rét đậm, rét hại.
Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc định hướng, sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hoá có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ. Mở rộng quy mô các vùng trồng trọt sản xuất hàng hoá để tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn tập trung. Đồng thời, tuyên truyền sâu, rộng chủ trương dồn thửa, đổi ruộng của tỉnh nhằm góp phần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là gieo trồng và thu hoạch, bảo quản để giảm áp lực lúc thời vụ, hạ giá thành sản phẩm.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuê ruộng, gom ruộng để sản xuất tập trung nhằm tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, sức cạnh tranh cao. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, dần hình thành nhiều mô hình “sản xuất theo chuỗi giá trị” trên địa bàn tỉnh.
Đi cùng với đó, tuyên truyền mở rộng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật được đánh giá có hiệu quả vào sản xuất như: Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ,... nhằm tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái do lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đó, trong vụ Đông Xuân 2020-2021, Vĩnh Phúc phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 38.500 ha. Trong đó, diện tích cây lúa 29.500 ha, diện tích cây ngô 2.200 ha ; tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 196.625 tấn./.