Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: làm rõ các vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, ngập úng

Thứ Ba, 13/12/2016 17:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tại kỳ họp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI mới đây, đại diện người đứng đầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã giải trình, làm rõ các nội dung đã hứa trước đại biểu, cử tri tại kỳ họp thứ 2 và một số nội dung gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây. 

Tăng cương quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai

Trả lời câu hỏi đại biểu và cử tri về nguyên nhân, trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước đối với tình trạng nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự ý tạo lập tài sản trái phép trên đất lúa đã được quy hoạch để lấy tiền đền bù, gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của tỉnh, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai, thực hiện nhiều đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng như các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ngay sau khi các đồ án quy hoạch chi tiết được phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan công bố công khai các đồ án quy hoạch theo quy định để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đặc biệt là để thông báo cho tổ chức, cá nhân trong vùng quy hoạch biết không được xây dựng nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm trên đất đã được quy hoạch; nếu có nhu cầu cải tạo, sửa chữa công trình phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa

Với trách nhiệm trong công tác quản lý đối với các quy hoạch, UBND tỉnh đã tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2011-2020. Theo đó, UBND cấp huyện, xã đã triển khai lập quy hoạch sử dụng đất và có kế hoạch cho từng năm trong giai đoạn 2011-2020 theo đúng quy định. 

Tuy nhiên, trên thực tế, ở hầu hết các địa phương đã và đang xảy ra nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân tự ý tạo lập tài sản trái phép trên phạm vi đất đã được quy hoạch. Nguyên nhân là do việc quản lý công tác quy hoạch chưa được quan tâm chặt chẽ, công tác kiểm tra còn nhiều hạn chế, còn tình trạng nể nang, né tránh chưa ngăn chặn kịp thời những vi phạm. Quy mô một số dự án có số hộ tái định cư nhiều, thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm và trong thời gian chờ bồi thường, các hộ dân cố tình tạo lập tài sản trái phép. Trình tự, thủ tục, hồ sơ xử lý vi phạm còn phức tạp, mất nhiều thời gian...

Để khắc phục các hạn chế trên, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, sử dụng đất đai. Thực hiện tốt việc công bố, công khai các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là đối với những công trình, dự án trọng điểm và những dự án thuộc lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục phân loại đối tượng và có biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm; xây dựng quy chế quản lý, giao Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, kiểm tra các dấu hiệu vi phạm và có hình thức kỷ luật, xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm. 

Trả lời kiến nghị của đại biểu, cử tri về nguyên nhân còn nhiều địa phương chưa thực hiện việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để giao đất dịch vụ cho các hộ dân, ông Khước cho biết: Tổng diện tích đất dịch vụ cần chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân trên toàn tỉnh là 136,1 ha. Đến nay, diện tích đã chi trả là 53,2ha; trong số 82,9 ha còn lại, có 69,8ha đất chưa giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng, với tổng nhu cầu vốn trên 1.039 tỷ đồng. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải quyết đất dịch vụ là do trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều hộ dân chưa đồng thuận về vị trí quy hoạch; một số địa phương tiếp giáp với các đô thị đòi giá bồi thường cao hơn giá xác định nên chưa đủ kinh phí thực hiện. Nguồn kinh phí để đầu tư, xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ còn hạn chế. Nhiều địa phương không tổ chức được bán đấu giá quyền sử dụng đất…

Khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện phương án vừa chi trả đất dịch vụ bằng đất, vừa chi trả bằng tiền. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục báo cáo, trình HĐND tỉnh bổ sung nguồn kinh phí để tạm ứng cho các địa phương đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đất đã được quy hoạch để chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện.  

Đẩy mạnh giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng

Đăng đàn trả lời cho câu hỏi vì sao những năm gần đây tỉnh đã đầu tư nhiều công trình, dự án khắc phục tình trạng ngập úng trong mùa mưa bão, song năm 2016, tình trạng ngập úng trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nghiêm trọng ảnh hướng đến giao thông, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, ông Nguyễn Tiến Phong, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ năm 2006 đến nay, Trung ương và tỉnh dành 525 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp một số công trình tiêu úng. Trong đó, ngân sách tỉnh dành 174 tỷ đồng cho 17 luồng tiêu nhỏ, 9 bờ bao chống tràn cho các vùng diện tích canh tác cục bộ và 3 trạm bơm tiêu úng cục bộ. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, các công trình này mới chỉ giải quyết việc nạo vét, khơi thông dòng chảy và tiêu úng cho diện tích cục bộ, vấn đề tiêu thoát chủ động vẫn chưa được thực hiện. 

Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh đã và đang tăng cường công tác quản lý các công trình tiêu thoát nước, phân cấp rõ ràng trách nhiệm quản lý của UBND các cấp, các công ty TNHH một thành viên thủy lợi. Đồng thời tập trung chỉ đạo xây dựng, cải tạo nâng cấp 1 số công trình tiêu giai đoạn 2016-2020. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan đến Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư 220 triệu USD để triển khai xây dựng trong năm 2017. 

Giải trình, làm rõ hơn bài toán khắc phục tình trạng ngập úng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì cho biết: Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, giải pháp để xử lý tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, tỉnh chưa có những dự án lớn để giải quyết triệt để tình trạng này. Nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu; vị trí địa lý của tỉnh nằm giữa 2 sông Phó Đáy và sông Cầu có lưu lượng dòng chảy lớn, các công trình tiêu úng hiện có của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu.

Khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã báo cáo BTV Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cho thực hiện Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh  Vĩnh Phúc bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới. Hiện, Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương, tỉnh đã xây dựng phương án vay, trả nợ và đang hoàn tất thủ  trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho vay. 

 

TN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN