Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua

Thứ Sáu, 23/07/2021 20:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 6.130 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Trong đó, trồng trọt tăng gần 6,2%, lâm nghiệp tăng 3,5%, thủy sản tăng 3,7%.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Để có kết quả này, trên cơ sở cụ thể hóa chương trình hành động số 02 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành một số quyết định, kế hoạch, chính sách hỗ trợ về việc tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất nông nghiệp với trọng tâm phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với sản phẩm chủ lực. Đồng thời, điều chỉnh quy mô đàn vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh và xử lý tốt môi trường; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao…

Tuy nhiên, hiện ngành Nông nghiệp vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là do tác động dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đầu ra của các sản phẩm; một số mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi tăng. Trong khi đó, sự tăng trưởng nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào số lượng, chất lượng chưa ổn định và bền vững; công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa giữ vững đà tăng trưởng vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19, những tháng cuối năm, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc sẽ triển khai linh hoạt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt để thực hiện có hiệu quả các nội dung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Tiếp tục khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, hướng dẫn người dân thường xuyên theo dõi, cập nhật thị trường để tính toán phát triển đàn hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Khuyến khích liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc; tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

M.P

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN