Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến độ dự án cấp nước sạch tập trung liên xã
(ĐCSVN) - Trung tâm nước nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đang phối hợp với các ngành chức năng của huyện Vĩnh Tường đẩy nhanh việc triển khai Dự án cấp nước sạch tập trung liên 12 xã.
Ảnh minh họa
Dự án cấp nước sạch tập trung liên 12 xã thuộc Chương trình “Nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng” vay vốn Ngân hàng thế giới. Dự kiến, dự án khi đi vào hoạt động sẽ cấp nước tập trung cho 12 xã của huyện Vĩnh Tường, bao gồm: Việt Xuân, Bồ Sao, Lũng Hòa, Nghĩa Hưng, Cao Đại, Phú Thịnh, Thượng Trưng, Lý Nhân, Tuân Chính, Yên Lập, Đại Đồng, Tân Tiến, với công suất thiết kế 8.000m3/ngày đêm, cấp nước sạch cho 15.619 hộ dân. Công trình thu và trạm bơm nước thô được đặt tại thôn Phú Hậu, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Nhà máy xử lý nước mặt, công suất 8.000m3/ngày đêm được đặt tại thôn Máy Gạch, xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường. Trạm bơm tăng áp được đặt tại xóm Mới B, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường.
Tính đến nay, phần xây dựng cơ bản ở công trình thu và trạm bơm nước thô đã hoàn thành 40%, công trình Nhà máy xử lý nước mặt hoàn thành được 90%, lắp đặt ống nước từ nhà máy đến các hộ ở 12 xã hoàn thành trên 70%. Dự kiến tháng 7/2017, Dự án cấp nước sạch tập trung liên 12 xã sẽ chính thức đi vào hoạt động. Hiện Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu sâu rõ về dự án, đồng thời tích cực tham gia hưởng ứng tạo điều kiện thuận lợi cho dự án sớm được hoàn thành theo đúng tiến độ...
Những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với địa phương cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin truyên truyền bảo vệ môi trường, phổ biến rộng rãi đến người dân khai thác các nguồn nước hợp vệ sinh để dùng cho sinh hoạt; tập trung đầu tư hàng chục công trình nước sạch đảm bảo đủ nguồn nước dùng sinh hoạt cho người dân ở các huyện, thị. Tỉnh cũng đầu tư nâng cấp nhiều hồ, đầm chứa nước ở các vùng đồi, núi để đón nước trên cao, trên rừng núi dồn về nhằm nâng cao nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.../.
N.Y