Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản
(ĐCSVN) - Thời gian qua, lĩnh vực thủy sản của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Mặc dù lĩnh vực thủy sản của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản, tuy nhiên, đây vẫn là ngành đóng góp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, từ đó giải quyết công ăn việc làm, sinh kế cho người dân địa phương.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: B.L) |
Nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh hiện khá phát triển với nhiều hình thức nuôi khác nhau như: Nuôi trong ao, đầm, nuôi hồ chứa, nuôi bể, nuôi lồng. Phương thức nuôi bán thâm canh và thâm canh ngày càng được mở rộng (khoảng gần 4.000 ha). Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu nuôi tập trung, quy mô lớn như: nuôi cá thâm canh ở Phú Đa, Cao Đại, Tuân Chính huyện Vĩnh Tường, Nguyệt Đức, Liên Châu huyện Yên Lạc…
Tuy nhiên, ngành thủy sản của Vĩnh Phúc cũng đang phải đối mặt với sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ở cả vùng biển và vùng nội địa; tình trạng ô nhiễm môi trường nước, môi trường sống của các loài thủy sản… Nhằm bảo vệ, tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên, từ đó, duy trì phát triển đa dạng sinh học tài nguyên thủy sinh vật và phát triển bền vững kinh tế thủy sản của tỉnh, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản và đa dạng sinh học, nhiều năm qua, công tác phát triển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản luôn được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm.
Năm 2022, Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc đã tổ chức 06 lớp tập huấn tuyên truyền cho đối tượng là các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, trong đó, tập trung vào các tổ chức, cá nhân được giao quản lý hồ đẩm, cán bộ xã, dân quân tự vệ, cán bộ quản lý khu dân cư, các đối tượng liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản trái phép bằng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư lưới cụ cấm đã bị phát hiện. Đồng thời, thực hiện cấp phát 3.000 tờ rơi và tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản theo hướng thâm cạnh, bán thâm canh với cá rô đơn tính, trắm, chép lai cho gần 100 hộ nuôi với tổng diện tích gần 140ha. Hỗ trợ chuyển đổi diện tích trồng lúa sang kết hợp nuôi thủy sản với tổng diện tích trên 34ha và hơn 1.600m3 diện tích nuôi cá lồng, bể.
Cùng với đó, Chi cục Thủy sản phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã triển khai tổ chức kiểm tra việc sử dụng ngư cụ cấm trong đánh bắt thủy sản đối với các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác thủy sản ở các thủy vực như sông, ngòi, đầm, hồ, vùng ngập nước trên địa bàn tỉnh, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm theo quy định tại Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp & PTNT; tại các điểm thả bổ sung nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Song song với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hàng năm, Chi cục cũng đã phối hợp với Hội Phật giáo tỉnh, cơ quan liên quan, UBND cấp huyện, xã tổ chức thả bổ sung các giống loài thủy sản vào thủy vực tự nhiên để bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản, lấy lại sự cân bằng sinh thái, ổn định quần xã thủy sinh vật ở các thủy vực trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Chi cục Thủy sản đã tổ chức thả hơn 3 tấn cá các loại: Chày, chép, trôi, mè, lăng, trắm cỏ tại các địa điểm: Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) và Hồ Vân Trục (Lập Thạch).
Ông Trần Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Hàng năm, được sự chỉ đạo của Sở Nông Nghiệp & PTNT, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Hội phật giáo tỉnh tổ chức chương trình thả cá để bảo vệ tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm tuyên truyền cho người dân trong tỉnh hiểu được ý nghĩa và lợi ích từ nguồn tài nguyên thủy sản đem lại, từ đó, giúp nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang đứng trước nguy cơ ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đẩy mạnh những hoạt động tuyên truyền, phối hợp với các cấp, ngành triển khai các biện pháp quản lý nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm các hành vi đánh bắt thủy sản mang tính chất hủy diệt như dùng xung điện hay các chất nổ hoặc chất hóa học khác.
Nhờ vậy, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 24.000 tấn, tăng 3,5% so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác toàn tỉnh đạt gần 4.000 tấn, tăng gần 2%, từ đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng nhu nhập cải thiện đời sống cho người dân.
Nhằm phát triển ngành thủy sản của tỉnh trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp trọng tâm. Trong đó, tăng cường phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến gắn với chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành để sản xuất các đối tượng có giá trị kinh tế cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và an toàn thực phẩm, có khả năng cạnh tranh cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời phát triển khai thác thủy sản một cách hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, môi trường sinh thái. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 6.600 ha, sản lượng nuôi trồng đạt 29.500 tấn, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân đạt trên 7%/năm.
Hướng tới các mục tiêu, Vĩnh Phúc xác định phát triển sản xuất thủy sản với các phương thức, hình thức phù hợp như: mở rộng diện tích nuôi thâm canh ở những vùng đồng bằng, nuôi hữu cơ ở những vùng sản xuất 1 lúa, 1 cá; phát triển nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông, hồ chứa lớn; nuôi bể ở những vùng không có nhiều diện tích và nguồn nước thuận lợi. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản, tăng sản xuất các đối tượng có giá trị kinh tế, mang lại hiệu quả cao như cá tầm, lăng, lóc, trắm, chép, rô phi... Bên cạnh đó, quan tâm, xây dựng các sản phẩm thủy sản có chứng nhận, thương hiệu, sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất thủy sản.../.