Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh phúc: Đặt trọng tâm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

Thứ Năm, 14/12/2023 09:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với trọng tâm thu hút vào các lĩnh vực trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, các dự án sản xuất rau quả sạch và chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao, các dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đây chính là định hướng phát triển bền vững của Vĩnh Phúc thời gian tới.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: TL) 

Có diện tích tự nhiên trên 123.600ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 73,7% diện tích tự nhiên, nguồn lao động dồi dào, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. 

Hiện thực hoá mục tiêu thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Vĩnh Phúc đã tâp trung triển khai xúc tiến tại nhiều thị trường trên thế giới. Đầu tháng 3/2023, tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico) thuộc Công ty cổ phần sữa Việt Nam và Tập đoàn đa ngành Sojitz, Nhật Bản tổ chức khởi công Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo với mức đầu tư 3.000 tỷ. Tổ hợp Vinabeef Tam Đảo là dự án được triển khai đầu tiên theo biên bản ghi nhớ có tổng giá trị 500 triệu USD được kí kết giữa Vinamilk cùng Tập đoàn Sojitz và tỉnh Vĩnh Phúc vào cuối năm 2021. Dự án được khởi công cho thấy nỗ lực và quyết tâm của các doanh nghiệp và tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất - chế biến thực phẩm.

Tổ hợp Vinabeef Tam Đảo được triển khai trên tổng diện tích gần 76ha, gồm 2 phân khu chính: Trang trại chăn nuôi bò thịt có sức chứa 10.000 con và Nhà máy chế biến thịt bò mát với công suất 30.000 con/năm (10.000 tấn sản phẩm/năm). Dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024.  Đáng chú ý, Vinabeef Tam Đảo là dự án được quy hoạch xây dựng và vận hành theo quy trình 4 trong 1 khép kín: Chăn nuôi - Sản xuất - Chế biến - Phân phối. Qua đó sẽ cung cấp các sản phẩm nổi bật là thịt bò mát đảm bảo 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang khẳng định: UBND tỉnh Vĩnh Phúc luôn nỗ lực nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp. Lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, đồng hành cùng các DN, nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu đầu tư cũng như quá trình triển khai dự án, trong đó chú trọng công tác cải cách hành chính.

Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, Vĩnh Phúc mong muốn có nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp máy tính, điện thoại và điện tử; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp ô tô, xe máy điện, công nghiệp dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, du lịch.

Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo kế hoạch trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Độ cho biết: Vĩnh Phúc mong muốn có nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực vực này. Do đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh và xây dựng các bộ chính sách nhằm đa dạng các lĩnh vực đầu tư, tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai với thời gian nhanh nhất theo quy định của pháp luật. Chuẩn bị sẵn quỹ đất, cũng như quyết liệt trong chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư.

Hỗ trợ giải quyết những vấn đề về lao động cho doanh nghiệp như đào tạo, tuyển dụng lao động. Đầu tư hạ tầng tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và hỗ trợ các điều kiện đầu vào thiết yếu cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư theo quy định của pháp luật. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp…

Được biết, trong giai đoạn 2021 - 2023, Vĩnh Phúc đã thực hiện hỗ trợ VietGAP cho 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt. Trong số đó, có 19 cơ sở sản xuất rau, quả; 64 cơ sở chăn nuôi; 9 cơ sở thủy sản. Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.

Với chủ trương và hành động đúng đắn,  đến nay Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong tiến trình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tỉnh đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4.800ha tại 71 xã, phường, thị trấn và nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ khác tại các huyện Lập Thạch, Bình Xuyên, Tam Đảo, Yên Lạc, Tam Dương, Sông Lô…

 

M.P

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN