Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Đảm bảo quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế

Thứ Năm, 06/06/2024 10:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Xác định bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách lớn, một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về “Đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích của người tham gia BHYT.

Đoàn diễu hành tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình năm 2024 

Ngay sau khi Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới” được ban hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch... để lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó, xác định các chỉ tiêu về BHYT để triển khai thực hiện; chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, công tác BHYT trên địa bàn tỉnh Vĩnh phúc đã đạt được những thành tựu quan trọng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng được tăng cường; các cấp, các ngành nỗ lực, vào cuộc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng; hệ thống BHYT từng bước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Công tác tuyên truyền chính sách BHYT luôn được các cấp, các ngành xác định là một trong giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện thành công chính sách BHYT và được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp cho từng nhóm đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHYT.

Để nhanh chóng đạt lộ trình BHYT toàn dân và thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi và khuyến khích ngày càng nhiều người dân tham gia BHYT: Từ năm 2015 đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện chính sách hỗ trợ ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ BHYT giúp cho 100% người cận nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí; tại Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND, ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, quy định 4 đối tượng được hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT: Người thứ nhất trong hộ gia đình và học sinh, sinh viên được hỗ trợ 20% mức đóng; Người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi được hỗ trợ 30% mức đóng; Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi được hưởng hỗ trợ 50% mức đóng. Đối tượng tham gia BHYT không ngừng được mở rộng, năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2015 - 2020: Hàng năm, có trên 300.000 lượt người được hỗ trợ, tổng số tiền hỗ trợ là 168,5 tỷ. Từ năm 2021 – 2023, hàng năm, có hơn 400.000 người được hỗ trợ, tổng số tiền hỗ trợ là 213 tỷ đồng.

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT được tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm chú trọng; đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Đối tượng tham gia BHYT tăng qua từng năm, lộ trình tiến tới BHYT toàn dân cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra, cụ thể: Năm 2009, số người tham gia BHYT là 690.936 người (đạt 67% dân số). Năm 2019 có 983.181 người tham gia (đạt 85% dân số). Đến hết năm 2023 có 1.158.927 người tham gia (đạt 95% dân số), vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022.

Tỷ lệ người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình ngày càng tăng. Giai đoạn 2009 - 2014 có 230.312 hộ gia đình tham gia, chiếm 15%; giai đoạn 2015-2019 có 327.727 hộ gia đình tham gia, chiếm 60%). Đến nay toàn tỉnh có 386.309 hộ gia đình tham gia BHYT, đạt 74%.

Cùng với đó, công tác quản lý Quỹ BHYT cũng được thực hiện theo đúng quy định; công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường. Đến nay 100% các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đã kết xuất được chuẩn dữ liệu đầu ra theo yêu cầu của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phục vụ cho việc kết nối, liên thông dữ liệu trong thanh quyết toán BHYT; chất lượng KCB BHYT, dịch vụ y tế ngày càng được nâng lên; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng; tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế ngày càng tốt hơn, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về thực hiện chế độ BHYT từng bước được tăng cường. Công tác quản lý nhà nước về BHYT được thực hiện theo đúng quy định. Sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, trong những năm qua, mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh ở các tuyến tiếp tục được củng cố, ổn định và phát triển, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 179 cơ sở KCB BHYT. Các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện chính sách “thông tuyến” theo đúng quy định của Luật BHYT. Theo quy định này, người tham gia BHYT có thể đến KCB ngoài nơi đăng ký KCB ban đầu mà không cần giấy giới thiệu chuyển viện, đã tạo điều kiện cho người tham gia BHYT được lựa chọn nơi KCB có chất lượng, phù hợp địa điểm nơi cư trú. Số lượt KCB cho đối tượng có thẻ BHYT tăng lên qua các năm.

Có thể khẳng định, sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đã tạo được sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng toàn thể cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về công tác BHYT; Chính sách BHYT đã đi vào cuộc sống, là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống chính sách an sinh xã hội; đối tượng tham gia BHYT tăng dần qua các năm, việc mở rộng và phát triển các nhóm đối tượng tham gia BHYT cơ bản thực hiện theo đúng lộ trình, tạo bước chuyển mới về ý thức trách nhiệm, tự giác tham gia BHYT của người dân trên địa bàn, hướng tới mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu được giao hằng năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn những hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác BHYT; việc phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT ở một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa sâu rộng, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ tham gia BHYT ở một số nhóm đối tượng như: Học sinh, sinh viên, hộ gia đình, lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đạt mục tiêu kế hoạch hàng năm. Chất lượng KCB ở một số cơ sở KCB trong tỉnh đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân, nhất là tuyến y tế cơ sở…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 38-CT/TW thời gian tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tăng cường nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác BHYT; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHYT; thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT.

Hai là, hàng năm bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, nâng cao trách nhiệm của các cấp trong việc điều tra, lập danh sách đề nghị mua thẻ BHYT cho các đối tượng từ ngân sách nhà nước.

Ba là, đẩy mạnh công tác phát triển người dân tham gia BHYT, tập trung vào các nhóm đối tượng có nhiều người chưa tham gia BHYT như: Hộ gia đình, người lao động trong các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, tiến tới lộ trình BHYT toàn dân. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác BHYT. Nâng cao cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cải tiến quy trình khám bệnh, chữa bệnh BHYT; đảm bảo công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT.

Bốn là, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác KCB BHYT. Tăng cường công tác đào tạo bác sỹ nhất là bác sỹ có trình độ chuyên khoa sâu về làm việc tại các cơ sở y tế; nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu KCB BHYT.

Năm là, tăng cường phối hợp tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách pháp luật BHYT, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách BHYT, đặc biệt là hành vi trốn đóng, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi quỹ KCB BHYT./.

Nguyễn Duyên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN