Vĩnh Phúc: CPI tháng 11/2022 giảm 0,15% so với tháng trước
(ĐCSVN) – Theo Cục Thống kê Vĩnh Phúc, tháng 11 năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,15% so với tháng trước. Giá thực phẩm giảm; giá một số vật liệu xây dựng sử dụng cho quá trình sửa chữa, bảo dưỡng nhà ở giảm; nhu cầu tiêu thụ điện năng giảm là những nguyên nhân chủ yếu tác động làm CPI giảm, đây là tháng thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm CPI ghi nhận mức giảm so với tháng trước.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) |
Tuy nhiên, so với tháng 12 năm 2021 và so với cùng kỳ năm trước, CPI của Vĩnh Phúc vẫn tăng ở mức khá cao, lần lượt là 7,46% và 7,15%. Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 4,20% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 11 tháng trong giai đoạn 2018-2022.
Trong mức giảm 0,15% của CPI tháng 11/2022 so với tháng trước có 3/11 nhóm hàng giảm, giảm mạnh nhất ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức giảm 1,15%, tác động làm CPI chung giảm 0,38 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 1,72%, thực phẩm giảm 1,89%. Tại một số địa phương trong tỉnh, giá bán các loại gạo phổ biến ở mức: Gạo khang dân từ 12.000 – 14.000 đồng/kg; gạo tám thơm từ 14.500 - 28.900 đồng/kg; gạo tám Thái Lan từ 14.500 - 35.000 đồng/kg; gạo nếp cái hoa vàng từ 26.000 - 37.000 đồng/kg; Thịt mông sấn từ 88.000 - 100.000 đồng/kg; thịt nạc thăn, thịt ba chỉ và sườn lợn từ 100.000 - 140.000 đồng/kg… Tiếp theo là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,51% do nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân giảm, cùng với đó giá thép, cát vàng, cát đen xây dựng giảm nhẹ làm cho chỉ số nhóm điện và vật liệu, bảo dưỡng nhà ở giảm lần lượt là 3,94% và 0,36%.
Ở chiều ngược lại, có 7/11 nhóm hàng có CPI tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm may mặc, mũ nón và giày dép với mức tăng 1,82% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm, chủ yếu ở nhóm quần áo may sẵn, mũ nón, khăn quàng, giầy dép; tiếp theo là nhóm giao thông tăng 1,18%, chủ yếu do nhóm nhiên liệu (xăng A95, xăng sinh học E5, dầu Diezen) tăng 5,43% so với tháng trước do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào các ngày 01/11/2022 và ngày 11/11/2022 đã khiến giá bán mặt hàng này tăng. Giá xăng dầu bình quân trong tháng 11 như sau: giá xăng A95 là 24.545 đồng/lít, xăng sinh học E5 là 22.377 đồng/lít, dầu Diezen là 24.949 đồng/lít.
Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 4,20% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá nhiên liệu được điều chỉnh giảm mạnh trong những tháng gần đây nhưng tính chung giá nhiên liệu vẫn tăng cao (tăng 31,87%) so sới cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,92 điểm phần trăm, đây cũng là yếu tố chính làm CPI tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Việc điều chỉnh mức thu học phí tăng cao trong năm học 2022-2023 đã đẩy chỉ số nhóm dịch vụ giáo dục tăng cao 13,46% so với bình quân cùng kỳ, làm CPI tăng 0,87 điểm phần trăm. Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng mạnh 10,67%, do giá nguyên vật liệu chế biến và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, làm cho nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,63%, tác động làm CPI chung tăng 0,68 điểm phần trăm. Ở chiều ngược lại, giá các loại thịt gia súc giảm sâu so với cùng kỳ (giảm 6,83%), chủ yếu giảm ở nhóm thịt lợn và giảm sâu hơn ở các tháng đầu năm, đã tác động làm CPI chung giảm 0,41 điểm phần trăm.