Vĩnh Phúc chuyển nhanh trạng thái chống dịch
(ĐCSVN) - Nhờ chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống xảy ra, trong những thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhất, tuyệt đại đa số người dân Vĩnh Phúc đều được chính quyền địa phương và lực lượng chức năng quan tâm, chăm sóc, động viên kịp thời, nhất là nhóm người dễ tổn thương như người già, trẻ em...
Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Vĩnh Phúc có nhiều diễn biến thuận lợi với số ca mắc mới ngày càng giảm, hầu hết các ca F0 đều ở thể nhẹ hoặc rất ít triệu chứng, số ca F0 chuyển nặng hoặc tử vong thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước và trên thế giới.
Đặc biệt, từ ngày 17/3/2022, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 38 có ý nghĩa như thay thế cho Nghị quyết 128/2021 trước đó, tỉnh đã thích ứng kịp thời, chuyển trạng thái nhanh chóng và linh hoạt, từ đó mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho việc hồi phục và thúc đẩy phát triển KT-XH, hứa hẹn tiếp tục là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “Đa mục tiêu” trong tình hình mới.
Hơn 2 năm với nhiều giai đoạn cao điểm chống dịch COVID-19, Vĩnh Phúc luôn được cả nước thừa nhận là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thích ứng nhanh và linh hoạt với diễn biến thực tế của dịch bệnh nhằm đưa ra những giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất, từ đó đạt được mục tiêu tối thượng là đảm bảo an toàn tối đa cho sức khỏe và tính mạng của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các nhiệm vụ KT-XH đã đặt ra.
Thăm khám tại nhà cho các F0 (Ảnh: Quang Nam) |
Đáng chú ý, khi dịch bệnh diễn biến cực kỳ phức tạp, Vĩnh Phúc có những động thái được không ít người cho là “quyết liệt trên mức cần thiết” nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo vệ người dân và doanh nghiệp. Dù vậy, kết quả thực tế đã chứng minh chủ trương của tỉnh là đúng và mang lại hiệu quả đúng như mong đợi.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh có diễn biến thuận lợi hơn, tỉnh lại nhanh chóng có những phương án vượt ra ngoài dự tính của một số người khi áp dụng nhanh và sớm nhiều quy định mang tính “thả lỏng” để giúp doanh nghiệp và người dân sớm có điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế. Lại một lần nữa, Vĩnh Phúc đạt được mục tiêu đề ra.
Trong cùng một sự việc nhưng thực hiện 2 giải pháp ngược nhau đến 180 độ mà đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã khiến nhiều địa phương trên cả nước ngạc nhiên và bày tỏ nể trọng.
Để có được kết quả này, trong một lần chia sẻ với đội ngũ truyền thông cả nước, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan chân tình cho rằng, xuất phát từ thực tế chỉ cần thấy bất kỳ nguy cơ nào dịch bệnh có thể gây tổn hại đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn, Vĩnh Phúc đều lập tức triển khai ngay các biện pháp siết chặt để ngăn chặn. Ngược lại, nếu thấy có cơ hội, dù nhỏ nhất, tỉnh sẽ nhanh chóng tháo lỏng để tạo điều kiện tối đa cho người người, nhà nhà cùng sớm trở lại trạng thái bình thường mới, ổn định để phát triển. Muốn vậy linh hoạt để thích ứng phải được đặt lên hàng đầu.
Mới đây, khi Nghị quyết 38 của Chính phủ ra đời, Vĩnh Phúc tiếp tục quán triệt sớm với tinh thần cơ bản thực hiện theo các quy định trong đó để thay thế cho Nghị quyết 128 trước đó. Cụ thể, tỉnh nêu rõ những quan điểm sẽ được nghiêm túc triển khai một cách quyết liệt.
Để thực hiện có hiệu quả những quan điểm trên, tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát là “Bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”.
Cụ thể, tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19. Trong đó đến hết quý I/2022 sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm.
Hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022 khi được Bộ Y tế phân bổ đầy đủ vắc xin.
Để kiểm soát có hiệu quả sự sự lây lan của dịch, yêu cầu tất cả các cấp chính quyền địa phương phải có kịch bản phòng, chống dịch COVID-19. Xây dựng được phương án, cơ chế kích hoạt toàn bộ hệ thống, bộ máy, nguồn lực khi có tình trạng dịch bệnh khẩn cấp, y học thảm họa xảy ra.
Tất cả mọi người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá.
Giảm thiểu sức ép cho các tuyến cơ sở khi chăm sóc F0 tại nhà (Ảnh: Quang Nam) |
Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn. Đặc biệt là nghiên cứu, sớm chuyển việc kiểm soát số ca mắc mới sang kiểm soát các ca nguy cơ cao, tiên lượng phức tạp...
Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Tổ chức triển khai hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa theo quy định để tăng tỷ lệ tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người mắc COVID-19 và người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch COVID-19.
Tất cả các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các huyện, thành phố… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.
Chủ động trong định hướng dư luận; bảo đảm người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch để người dân hiểu, đồng thuận, tạo niềm tin xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện.
Có thể nói, không chỉ quyết tâm sớm đưa địa phương trở lại trạng thái “bình thường mới” Vĩnh Phúc đã và đang làm tất cả để đưa mọi thứ về hẳn trạng thái “bình thường cũ” như khi chưa hề có dịch xảy ra. Do vậy, trước mắt và thời gian tới, tỉnh chủ trương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động cả hệ thống chính trị, nhất là tại cơ sở, huy động tối đa nguồn lực và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động toàn dân tham gia công tác phòng, chống dịch; bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, nhất quán, chặt chẽ theo quy định tránh tình trạng cát cứ, chồng chéo, cứng nhắc; thường xuyên nghiêm túc quán triệt các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong chống dịch và phát triển kinh tế.
Đồng thời khẩn trương tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch COVID-19 nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở công tác phòng, chống dịch; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch.