Vĩnh Phúc chú trọng các hoạt động liên quan tới bình đẳng giới
(ĐCSVN) - Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc là cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2018-2025, theo đó, trong thời gian qua, Ban đã triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới tại cơ quan cũng như triển khai lồng ghép hoạt động tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới trong quá trình thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ra mắt các mô hình CLB phục vụ chị em dân tộc thiểu số. |
Theo Báo cáo của Ban Dân tộc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kiến thức về giới và bình đẳng giới tại Ban luôn được chú ý tăng cường đồng thời liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Kết quả thống kê hiện nay cho thấy, 100% cán bộ công chức trong cơ quan được tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về bình đẳng giới thông qua các cuộc họp, hội nghị của cơ quan, trên trang web của Ban Dân tộc; Chi bộ, Lãnh đạo Ban, Công đoàn tạo mọi điều kiện để nữ cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người vợ. Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, Ban nữ công tham mưu, đề xuất và giới thiệu các đồng chí cán bộ nữ có triển vọng đưa vào quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo các phòng, bộ phận của Ban.
Song song, Ban cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; người dân vùng DTTS; ban giám hiệu các trường dân tộc nội trú, các trường vùng DTTS; người có uy tín, cán bộ thôn và các tổ chức đoàn thể ở thôn tại các xã có đồng bào DTTS.
Liên quan tới công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, Công đoàn cơ quan Ban Dân tộc luôn chăm lo đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức nữ cơ quan, không để xảy ra tình trạng bạo hành trong gia đình. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh.
Các chị em dân tộc thiểu số làm bánh |
Có thể thấy, nhận thức của cán bộ, đảng viên chi bộ cơ quan được nâng lên; việc quy hoạch, tạo nguồn, đề bạt, bố trí sử dụng, bổ nhiệm cán bộ nữ ngày được quan tâm, chú trọng; việc tạo điều kiện để công chức, cán bộ nữ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ được cơ quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, cũng phải thắng thắn thừa nhận, các hoạt động triển khai, phổ biến kiến thức bình đẳng giới chưa phong phú về nội dung. Tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo nữ tại cơ quan còn ít; cán bộ, công chức nữ cơ quan chưa có điều kiện tham gia nhiều các lớp tập huấn về bình đẳng giới. Mặt khác, nhận thức về vấn đề bình đẳng giới tuy đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn không ít tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ trong một số bộ phận cán bộ, đảng viên.
Trên cơ sở thực tiễn triển khai với một số mặt tích cực và hạn chế, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã đề xuất, Đảng và Nhà nước tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số chính sách về nữ cho phù hợp hơn như: tuổi lao động của nữ, tuổi nghỉ hưu của nữ, tuổi quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ phù hợp hơn. Bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ nữ cán bộ lãnh đạo quản lý học tập, nâng cao trình độ mọi mặt. Đặc biệt, đề nghị Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn tuyên truyền về bình đẳng giới, cung cấp các tài liệu liên quan đến việc thực hiện bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ cho Ban nữ công các cơ quan, đơn vị. Tạo điều kiện cho công chức, cán bộ nữ có điều kiện được giao lưu, học hỏi, phát triển nghề nghiệp./.