Vĩnh Phúc: Chủ động, quyết tâm “chống dịch như chống giặc”
(ĐCSVN) – Được xem là tâm điểm dịch với 11 ca dương tính với Covid-19, trước tình hình diễn biến phức tạp của loại dịch bệnh nguy hiểm này, thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chỉ đạo kịp thời, toàn diện và quyết liệt nhằm khống chế, kiểm soát sự lây lan của virus…
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và các lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tận tâm dịch xã Bình Xuyên để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. (Ảnh: Nguyễn Hòa) |
Chỉ đạo và hành động quyết liệt
Nhận thức rõ nguy cơ, sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, ngày 12/2/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổ chức họp để bàn bạc những vấn đề quan trọng trong việc phòng, chống dịch. Theo đó, địa phương đã chính thức ban bố các biện pháp khẩn cấp, nhằm đối phó với dịch bệnh Covid-19, với quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”. Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh phúc đã họp bàn và đưa ra những chủ trương, giải pháp, phòng chống dịch, đáp ứng được chỉ đạo của T.Ư, Bộ Y tế; nỗ lực khoanh vùng dập dịch, kiểm soát tốt tình hình; tuyên truyền để nhân dân ý thức được trách nhiệm phòng dịch, trên tinh thần không chủ quan, không gây hoang mang cho người dân.
Song hành cùng nhiều biện pháp và nỗ lực chống dịch, dập dịch đã triển khai, ngày 13/2, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã huy động 65 cán bộ thuộc các bệnh viện của bộ, ngành, của tỉnh và các trung tâm y tế các huyện làm nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn tại các trạm y tế của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bình Xuyên – nơi được xem là “rốn” của dịch Covid-19.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có nhiều chuyến đến kiểm tra, thị sát công tác phòng, chống Covid-19 tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) và một số địa bàn đang là điểm nóng của dịch Covid-19.
Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan, Vĩnh Phúc đã chủ động đề nghị ngành Y tế các cấp phối hợp, hỗ trợ để kiểm soát, cách ly, ngăn ngừa và chặn dịch. Đồng thời địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động phòng ngừa dịch, thực hiện việc hỗ trợ các địa phương của huyện Bình Xuyên để chủ động trong công việc, xây dựng kế hoạch cụ thể để công tác chuyên môn đạt hiệu quả cao.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã phê duyệt phương án và bổ sung thêm 4 chốt kiểm soát, cách ly, đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ phòng chống dịch, nâng tổng số chốt kiểm soát lên con số 12 chốt.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ thiết bị, hóa chất, vật tư y tế để cung ứng đủ cho các địa phương chống dịch. Nghiên cứu đề xuất Quỹ bình ổn giá, thành lập đội bán hàng lưu động phục vụ các thôn, xã vùng dịch.Vận động các doanh nghiệp hỗ trợ khẩu trang; công nhân trong khu công nghiệp đang lưu trú tại xã Sơn Lôi tạm nghỉ việc; đề xuất việc cho học sinh nghỉ học và phương án chuẩn bị học bù cho học sinh…
Để nâng cao thế chủ động ứng phó trước tình hình và tập trung chống dịch, Vĩnh Phúc thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường, trưng dụng Trường Quân sự tỉnh làm khu giám sát tập trung các đối tượng tiếp xúc gần với người bệnh với sức chứa 500 người; thành lập tổ công tác cắm chốt tại “tâm dịch” Bình Xuyên; khẩn cấp cách ly “rốn dịch” Sơn Lôi...
Riêng tại địa bàn Sơn Lôi, tỉnh đã thành lập 12 chốt kiểm soát người ra vào, đồng thời, phun khử trùng, tiêu độc, huy động tối đa các lực lượng, nhất là lực lượng y tế, để kiểm soát tình hình sức khỏe của người dân. Động thái này nhằm khoanh vùng, cách ly hoàn toàn việc di chuyển của người dân trong vùng xảy ra dịch bệnh.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động, Vĩnh Phúc cũng thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp trong đó có việc hạn chế các hoạt động tập trung đông người; kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân tại địa phương có dịch bằng các chốt kiểm soát để hạn chế tối thiểu sự lây lan.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đồng ý chủ trương để một số doanh nghiệp, các nhà tài trợ may khẩu trang vải phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đồng ý chủ trương mua thêm các trang thiết bị y tế cần thiết để nâng cao hiệu quả, năng lực phòng chống Covid – 19 trên địa bàn tỉnh.
Để tăng cường cho công tác phòng ngừa, địa phương đã tiếp tục cho học sinh các cấp trong toàn tỉnh nghỉ học tuần thứ 3 liên tiếp, từ ngày 17 đến hết ngày 22/2/2020. Huy động tối đa nhân lực, vật lực và các phương tiện, vật tư y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn vào công tác phòng, chống, dập Covid – 19./.
Công an cắm chốt tại 12 điểm ra, vào trên địa bàn xã Sơn Lôi, không cho người dân ra khỏi xã và người ngoài vào địa bàn. (Ảnh: Hồng Quang) |
“Chống dịch như chống giặc”
Trao đổi với báo chí, đồngchí Vũ Việt Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Phó trưởng ban thường trực, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng Covid-19 cho biết, Vĩnh Phúc đang là tâm điểm dịch với 11 ca dương tính với Covid -19, trước tình hình đó, địa phương đã kịp thời chỉ đạo toàn diện và quyết liệt bằng nhiều biện pháp khoanh vùng, dập dịch nhằm khống chế, kiểm soát tốt nhất sự lây lan của virus.Địa bàn xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc - với hơn 10.600 nhân khẩu đã có quyết định phong tỏa từ ngày 13/2. Các hộ dân trong khu vực được cách ly sẽ được hỗ trợ toàn bộ tiền ăn và nhu yếu phẩm cần thiết.
Cạnh đó địa phương đã làm tốt công tác tư tưởng vận động. Cán bộ và người dân tại xã Sơn Lôi cũng đã xác định được trách nhiệm của xã đối với tỉnh Vĩnh Phúc, người dân đã chủ động cách ly tại nhà theo đúng quy định. Các biện pháp cần thiết, thể hiện sự quyết liệt, trong đó có vấn đề cách ly, hạn chế tất cả các phương tiện và người ra vào xã Sơn Lôi, nơi được coi là “rốn dịch”.
Về chính sách hỗ trợ, người dân được hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày. Theo như phương châm của Thủ tướng “Chống dịch như chống giặc” do vậy tất cả đều có sự chia sẻ, sự hy sinh nhất định để đảm bảo công tác chống dịch bệnh hiệu quả.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19 ở Vĩnh Phúc không chỉ đảm bảo sự an toàn cho riêng địa phương mà còn cho cả Thủ đô Hà Nội, cũng như của cả nước. Do vậy, những nỗ lực của tỉnh Vĩnh Phúc còn đang thể hiện trách nhiệm của tỉnh với người dân cả nước.
Đồng chí Lê Duy Thành, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Vĩnh Phúc đã triển khai khá tốt các biện pháp kiểm soát, cách ly, cô lập đối với nhóm người có nguy cơ nhiễm Covid-19, do vậy dịch bệnh cũng đang diễn biến theo hướng cơ bản được khống chế, kiểm soát. Ông Thành cho rằng người dân không nên quá hoang mang về bệnh dịch này.
“Được sự giúp đỡ của Bộ Y tế, Vĩnh Phúc cũng đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo đủ các thiết bị vật tư y tế, thuốc khử trùng, sát khuẩn, khẩu trang y tế, trang thiết bị vật tư, máy móc cần thiết...Theo đó, nhiều đoàn công tác ở Trung ương đã về kiểm tra công tác phòng chống dịch đều ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động kịp thời của địa phương vào cuộc đồng bộ, kịp thời, tập trung cao độ”- đồng chí Lê Duy Thành cho biết thêm.
Với phương trâm “Mỗi người dân đều thành “chuyên gia” về dịch”, trong một khoảng thời gian hạn hẹp, Vĩnh Phúc đã nỗ lực và triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để tăng cường tuyên truyền, phổ biến để mỗi người dân “nằm lòng” cách phòng tránh dịch cho bản thân cho gia đình như: tự trang bị khẩu trang, khăn trùm đầu bịt kín; rải vôi bột là cách mà dân làng tự bảo vệ gia đình trước dịch bệnh bùng phát; chủ động phun thuốc khử trùng…Nhận thức rõ việc phòng hơn chữa, mỗi người dân mọi lứa tuổi ở địa phương đã tự vệ sinh cá nhân hằng ngày để phòng chống dịch, nói chuyện cách xa nhau 1-2m, luôn đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ. Cửa đóng chặt, hạn chế tiếp xúc với người ngoài, già trẻ lớn bé trong làng đều bịt kín khẩu trang, ngồi trong nhà cũng bịt khẩu trang. Trước đó, báo cáo tình hình triển khai công tác phòng chống dịch của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, do tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động phòng chống theo phương châm không chủ quan, không bị động, không hoang mang để giành vị thế chủ động, quyết tâm “chống dịch như chống giặc”! |