Vĩnh Phúc: Bình ổn thị trường hàng hóa cuối năm
(ĐCSVN) - Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ, mua sắm hàng hóa của nhân dân tăng cao dễ dẫn đến tình trạng tăng giá bán các mặt hàng thiết yếu. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, các địa phương đã xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa, trong đó, chú trọng triển khai nhiều giải pháp thực hiện chương trình hiệu quả.
Ảnh minh họa (Nguồn: H.T) |
Qua thăm nắm thị trường cho thấy, thời điểm này, nhu cầu mua sắm của người dân có xu hướng tăng cao, nhất là trong bối cảnh Bộ Công thương vừa phát động "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia".
Để chủ động nguồn hàng hóa phục vụ thị trường những tháng cuối năm, các doanh nghiệp điều chỉnh tăng số lượng đầu vào hàng hóa từ 10-30% đối với nhiều nhóm, ngành hàng; áp dụng các chương trình khuyến mại, giảm giá đến tháng 12/2022.
Trước đó, các địa phương đã chủ động xác định, hạch toán ước số lượng hàng hóa tiêu thụ đưa vào diện quản lý; dự báo tình hình thị trường, giá cả nông sản, hàng hóa trên các phương tiện thông tin giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phương án điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong dịp này, ngoài các mặt hàng thiết yếu, những nhóm, ngành hàng nhạy cảm về cung cầu, giá cả, khó chủ động về số lượng, lương thực, thực phẩm có nhu cầu sử dụng cao trong dịp lễ, Tết... được cơ quan quản lý xếp vào danh mục bình ổn giá.
Cụ thể, về nhóm hàng thiết yếu gồm lương thực; thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản; trứng gia cầm; dầu ăn, gia vị; rau củ quả tươi, đường, sữa các loại; mứt tết, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát; đồ điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng... sẽ nằm trong diện quản lý giá và được lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát vào những tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tăng giá bán các mặt hàng thiết yếu, lực lượng chức năng ở các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các quy định của pháp luật về giá, phí; yêu cầu chủ cơ sở thực hiện niêm việc yết giá, bán theo giá niêm yết; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá lên cao, gây bất ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh; tích cực khai thác, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống tại địa phương.
Tăng cường mối liên kết vùng giữa các huyện trong hoạt động kết nối cung -cầu, hợp tác thương mại vùng miền nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và tạo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ cho thị trường Tết; thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với ổn định thị trường để đưa hàng Việt vào các trung tâm thương mại, siêu thị, khu công nghiệp... giúp người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận, mua sắm thuận lợi.
Đối với Cục QLTT tỉnh Vĩnh phúc, từ nay đến sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATTP và các hành vi gian lận.
Trong thương mại, chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống, tiêu dùng, không để tình trạng khan hiếm hàng hóa, gian lận thương mại và tăng giá cục bộ xảy ra gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.
Để đảm bảo đầy đủ, kịp thời nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán, các địa phương yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; các trung tâm thương mại, siêu thị chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh; triển khai các chương trình bình ổn thị trường, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực tập trung đông dân cư nhằm cung ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân.
Tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ người dân diện chính sách, người dân ở các vùng bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai; phối hợp với các đơn vị cung cấp hàng thực phẩm chăn nuôi, chủ động nguồn hàng dự trữ với giá hợp lý, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp, triển khai các điểm bán hàng bình ổn nhằm dẫn dắt thị trường, tạo tâm lý ổn định cho thị trường các mặt hàng thực phẩm.
Hàng hóa đưa vào kinh doanh phải bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã đa dạng; không sản xuất, kinh doanh những mặt hàng Nhà nước cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... Trường hợp phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt nghiêm theo quy định.