Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Ban hành Chương trình hành động về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Thứ Sáu, 05/07/2019 18:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong thời gian qua các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; số vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, gây ra những bức xúc, lo lắng trong nhân dân và dư luận xã hội.

Trước tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, để ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn; ngày 06 tháng 6 năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Chương trình hành động Số 76-CTr/TU về phòng, chống bạo, lực xâm hại trẻ em.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai (Ảnh minh họa. Nguồn: P.V)

Cụ thể, Chương trình này có mục tiêu tổng quát: Đảm bảo mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục một cách tốt nhất; có môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh, thực hiện đầy đủ và ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và trợ giúp kịp thời cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Từng bước giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Phát huy trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các cơ quan, tổ chức và toàn dân tham gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Trên cơ sở đó, mục tiêu cụ thể hướng tới bao gồm: Hàng năm giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị bạo lực, xâm hại. 90% trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại được hỗ trợ, phòng ngừa, giảm đếm mức thấp nhất trẻ em bị bạo lực, xâm hại. 100% trẻ em được giáo dục kỹ năng sống trong các chương trình sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa của các nhà trường. 100% trẻ em bị bạo lực, xâm hại được can thiệp, trợ giúp chăm sóc, phục hồi tâm lý tại cộng đồng và tư vấn thích hợp. 100% các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn đều được các cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, gia đình, cộng đồng và bản thân trẻ em trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em của các cấp, các ngành, các tổ chức, gia đình và người dân. Quán triệt sâu sắc Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em; các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về  bảo vệ, chăm sóc trẻ em (đặc biệt là Luật trẻ em năm 2016). Biên tập tài liệu, tờ gấp ngắn gọn, dễ hiểu để phục vụ công tác truyền thông, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân và trẻ em về ảnh hưởng của bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đối với sự phát triển của trẻ em. Tổ chức các hoạt động truyền thông đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân và trẻ em về các biện pháp bảo vệ trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại; trực tiếp đến gia đình, cộng đồng, trường học. Tổ chức các hoạt động truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú trong Tháng hành động vì trẻ em (từ 15/5 đến 15/6 hàng năm); Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6 hàng năm); Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (từ 15/11 đến 15/12 hàng năm). Phát động phong trào quần chúng phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; xây dựng mạng lưới cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, xóm, tổ dân phố.

Hai là, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của tổ chức đảng, nhà trường, gia đình và cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó, nâng cao hiệu quả và vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng tại cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng; Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa 03 môi trường giáo dục: gia đình - nhà trường -  xã hội và giữa các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức với trẻ em nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong đó gia đình và nhà trường giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, hình thành và hoàn thiện nhân cách; trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển một các toàn diện. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường nhằm giúp gia đình thường xuyên nắm bắt được tình hình học tập, rèn luyện của con em ở trường; đồng thời giúp thầy, cô giáo có thêm hiểu biết về học sinh nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn từ đó để có phương pháp, định hướng quan tâm giúp đỡ đối với từng em có hoàn cảnh khó khăn. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho nhà trường, gia đình giúp đỡ trẻ em học tập và rèn luyện.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, chú trọng tăng cường công tác quản lý về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp phòng, chống và can thiệp hỗ trợ hiệu quả cho trẻ em trước bạo lực, xâm hại trẻ em.

Rà soát các chính sách, quy định của tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; rà soát tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em. Xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác truyền thông, nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng. Thực hiện tốt việc xử lý các thông tin về bạo lực, xâm hại trẻ em, về vi phạm quyền trẻ em trên địa bàn để điều tra, kết luận, xử lý đối tượng vi phạm kịp thời, nhanh chóng, nghiêm minh, đảm bảo các quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em, không để nạn nhân bị tổn thương trong quá trình điều tra, xử lý. Thành lập Ban điều hành và nhóm công tác liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, nhóm chuyên trách bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đứng đầu. Thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cộng tác viên tại thôn, xóm, tổ dân phố. Triển khai hệ thống dữ liệu quản lý về trẻ em làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình, kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ em của tỉnh.

Tiếp tục triển khai các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu công tác bảo vệ trẻ em như: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh,  Điểm tư vấn, tham vấn trẻ em tại cộng đồng, trường học do tổ chức Đoàn thanh niên đảm nhiệm; đảm bảo hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong việc tiếp nhận, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại đạt hiệu quả tốt nhất.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn, bảo đảm thực hiện đầy đủ và đạt các mục tiêu chương trình, kế hoạch của tỉnh về Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em. Có kế hoạch kiểm tra liên ngành định kỳ hoặc đột xuất tại một số địa phương, cơ sở.

Bốn là, thực hiện Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường  trong các cơ sở giáo dục, bao gồm: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống bạo lực học đường; tích hợp nội dung giáo dục phòng chống bạo lực học đường vào các hoạt động giáo dục. Có các hình thức sinh hoạt phù hợp, định kỳ trong trường học. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trong cơ sở giáo dục mình phụ trách. Xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học; nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý và giáo viên. Bổ sung chương trình kỹ năng sống vào Chương trình học ngoại khóa trong các nhà trường, cơ sở giáo dục, giúp trẻ tự giải quyết được một số vấn đề thiết thực trong cuộc sống, chủ động tự bảo vệ mình. Rà soát tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là ở các khu công nghiệp, yêu cầu có biện pháp quản lý, giám sát, công khai hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em.

Năm là, xử lý các vi phạm về xâm hại trẻ em. Theo đó, ngành Công an tham mưu với cấp ủy đảng, chính các cấp và phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm, trong đó chú ý đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý các tổ chức cá nhân có hành vi bao che, chậm chễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em theo đúng quy định. Có biện pháp răn đe các đối tượng vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự.

Hướng dẫn Công an các cấp quy trình, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; các biện pháp điều tra thân thiện với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục; nâng cao năng lực, kỹ năng cho lực lượng công an các cấp về điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em.

Các cơ quan tư pháp nâng cao công tác tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm; điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các vụ án thuộc lĩnh vực này theo đúng quy định pháp luật.

Theo Chương trình hành động này, để tăng cường các giải pháp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị như sau:

Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với các Ban cán sự đảng, đảng đoàn, các Ban xây dựng đảng của Tỉnh ủy chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy; chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, tham mưu thực hiện cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế. Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình hành động; hằng năm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo HĐND tỉnh thể chế hóa Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành nghị quyết của HĐND tỉnh để tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trong phạm vi nhiệm vụ của mình có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; chỉ đạo HĐND tỉnh ban hành chính sách, biện pháp có liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Các ban xây dựng đảng của Tỉnh ủy căn cứ Chương trình hành động này, xây dựng kế hoạch và thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình hành động.

Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đến các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên, các điểm tư vấn trẻ em tại cộng đồng để kịp thời phát hiện, thông tin, phối hợp cùng các cơ quan chức năng can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Ban thường vụ các huyện, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường Tỉnh ủy tới các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện phù hợp chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; Tổ chức thực hiện bằng các giải pháp cụ thể, sát thực, đồng bộ và bố trí nguồn lực để thực hiện các quyền trẻ em. Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện./.

 

Nguyễn Thị Duyên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN