Vĩnh Phúc: 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng đạt 7,61% so với cùng kỳ năm 2017.
(ĐCSVN)- Kết thúc năm 2017, bức tranh kinh tế- xã hội của Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều mảng sáng - tối đan xen. Bước sang năm 2018, tỉnh đã đặt ra mục tiêu cụ thể trong năm là: Tổng sản phẩm GRDP tăng từ 7,0 - 7,5%, kim ngạch XNK tăng 10 - 12% so với năm 2017; tổng thu ngân sách đạt 29.640 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từ 0,5 - 1% so với năm 2017.
Mục tiêu là vậy, nhưng Vĩnh Phúc cũng phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đó là cạnh tranh trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa các địa phương; hệ thống kết cấu hạ tầng của một số khu công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ; nguồn thu ngân sách thiếu tính bền vững; nguồn lao động chất lượng cao hạn chế; thị trường tiềm ẩn những yếu tố bấp bênh, thiếu ổn định…
Xác định năm 2018 là năm bản lề, nên ngay từ đầu năm Vĩnh Phúc đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tạo đột phá trong phát triển. 6 tháng đầu năm, Tổng sản phẩm GRDP đạt 35,44 nghìn tỷ đồng, tăng 7,61% so với cùng kỳ năm 2017. Trên cả ba trụ cột kinh tế của tỉnh đều có những kết quả đáng ghi nhận, nhất là việc phục hồi ngành sản xuất công nghiệp, tăng 11,88% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, có thêm nhiều đơn hàng và thị trường tiêu thụ mới. Các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, xe máy và linh kiện đều trên đà khởi sắc và đóng góp tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành công nghiệp… Thu ngân sách ước đạt 14,44 nghìn tỷ đồng, bằng 107% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt trên 12 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thu hút đầu tư, Tỉnh vẫn nhất quán theo phương châm “Các nhà đầu tư đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, doanh nghiệp giàu thì Vĩnh Phúc sẽ giàu” và “Doanh nghiệp thành đạt, Vĩnh Phúc thành công”. Thời gian qua, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, Vĩnh Phúc đã tiếp và làm việc với các đoàn doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Singapore đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh; hướng dẫn nhà đầu tư triển khai các dự án sau khi ký biên bản ghi nhớ đầu tư với tỉnh; tổ chức đưa nhà đầu tư tham quan thực địa hạ tầng một số Khu công nghiệp của tỉnh để tìm địa điểm đầu tư phù hợp... Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 45 dự án, trong đó có 27 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 94,59 triệu USD; 20 dự án DDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,42 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 16 lượt dự án FDI và 7 lượt dự án DDI. Ước tổng vốn đầu tư (bao gồm cả đăng ký mới và tăng vốn) đến thời điểm hiện tại cho các dự án FDI đạt 224,3 triệu USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ và các dự án DDI đạt 2.146,6 tỷ đồng, tăng 77,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh còn một số hạn chế, như: Thu ngân sách nhà nước gặp khó khăn. Chất lượng cung cấp dịch vụ hạ tầng khu công nghiệp đã có cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Hoạt động xúc tiến đầu tư chưa có sự tham gia sâu, rộng của các doanh nghiệp lớn; thu hút FDI chủ yếu là các dự án gia công, lắp ráp điện tử và các dự án vệ tinh quy mô vốn nhỏ. Chất lượng đào tạo lao động còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nhiều doanh nghiệp không tuyển lao động trên 30 tuổi, thường xuyên thay thế lao động và bắt đầu sa thải người lao động sau 35 tuổi, gây nên nhiều mối lo về an sinh xã hội. Tình hình kinh doanh, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn vẫn xảy ra. Hoạt động du lịch vẫn mang tính thời vụ và chủ yếu là du lịch lễ hội và du lịch tâm linh; hoạt động tư vấn, giới thiệu và dịch vụ việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường còn hạn chế…
Theo đồng chí Nguyễn Duy Thành Phó, Chủ tịch UBND tỉnh, để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn như: Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước theo hướng gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của ngành/lĩnh vực. Tiếp tục triển khai một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm. Đặc biệt, để tiếp tục tạo niềm tin cho nhà đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đặc biệt tạo điều kiện thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, xây dựng lòng tin cho doanh nhân. Thường xuyên rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận với doanh nghiệp, nhất là rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục trong cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ để hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư, thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh…/.
`