Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Việt Nam đã có một khởi đầu thuận lợi trong năm 2021

Thứ Sáu, 12/02/2021 20:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – “Tôi hoan nghênh và chúc mừng chính phủ và nhân dân Việt Nam về nhiều thành tựu to lớn đã đạt được trong năm 2020. Việt Nam đã có một khởi đầu thuận lợi trong năm 2021 và tôi tin rằng điều này tạo điều kiện thuận lợi cho bộ máy lãnh đạo mới, ra mắt sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Đây là thông điệp do bà Masriati Lita Saadia Pratama, Tham tán công sứ, Đại sứ quán nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021. Xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn.

Bà Masriati Lita Saadia Pratama, Tham tán công sứ, Đại sứ quán nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam.

Phóng viên: Năm 2020 đánh dấu 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Indonesia và Việt Nam (30/12/1955 – 30/12/2020). Theo bà, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế?

Masriati Lita Saadia Pratama: Từ góc độ kinh tế, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Indonesia. Cả Indonesia và Việt Nam đều là những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nhanh chóng. Tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia còn lớn và hai nước đặt mục tiêu hiện thực hóa kim ngạch thương mại hai chiều mạnh mẽ, cân bằng và bền vững đạt 10 tỷ USD. Năm ngoái, bất chấp đại dịch, thương mại song phương của hai nước đạt khoảng 8,2 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2019 là 9,08 tỷ USD.

Sau khi chúng ta vượt qua đại dịch COVID-19, tôi nghĩ Indonesia và Việt Nam nên tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế, đặc biệt là nỗ lực phục hồi sau những tác động tiêu cực của đại dịch và tìm cách khám phá thêm tiềm năng giữa hai nước. Chúng ta nên tận dụng cơ hội và hợp tác hơn nữa vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Indonesia là một quốc gia rộng lớn với dân số khoảng 270 triệu người, đứng thứ tư trên thế giới trong khi Việt Nam là quốc gia có hơn 97 triệu dân, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do quan trọng. Trong bối cảnh khu vực, cả hai nước cần cố gắng đạt được lợi ích tối đa từ việc ký kết hiệp định thương mại RCEP, bao gồm tất cả các nước ASEAN và năm đối tác FTA của khối.

Phóng viên: Theo số liệu do nguyên Đại sứ Ibnu Hadi đưa ra vào tháng 10/2020, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Indonesia đã tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2010 lên 9,1 tỷ USD năm 2019, song đang có dấu hiệu chững lại do tác động của đại dịch COVID-19. Bà có đưa ra khuyến nghị nào để cải thiện tình trạng trên trong năm 2021?

Masriati Lita Saadia Pratama: Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại giữa Indonesia và Việt Nam đạt 9,09 tỷ USD. Năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Indonesia và Việt Nam. Điều này là do những chuyển biến của thế giới cũng như đại dịch COVID-19 xảy ra rất nhanh và đột ngột. Tôi rất hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc khống chế đại dịch, đồng thời có thể duy trì mức tăng trưởng kinh tế tích cực là 2,91% vào năm 2020.

Cả hai nước đã đạt kim ngạch thương mại 9,09 tỷ USD trong năm 2019. Một cột mốc quan trọng đối với mục tiêu 10 tỷ USD thương mại song phương. Thật đáng tiếc khi năm 2020 chúng ta không thể đạt được mục tiêu đã đạt ra, nhưng tôi khẳng định rằng chúng ta sẽ sớm đạt được mục tiêu, chỉ còn vấn đề thời gian.

Hiện tại, mọi quốc gia trên thế giới đang tiến hành tiêm phòng cho người dân của mình để làm chậm sự lây lan COVID-19 - và cuối cùng là không còn ai bị nhiễm COVID-19. Tại Indonesia, chúng tôi dự kiến sẽ tiêm phòng cho 70% người Indonesia trong thời gian 12-15 tháng bắt đầu từ tháng 1/2021. Đồng thời, chính phủ cũng kiên định về việc tái kích hoạt nền kinh tế. Các gói kích cầu và nhiều chương trình được đưa ra với hy vọng trong năm 2021, Indonesia có thể giảm thiểu thiệt hại hơn nữa do COVID-19 gây ra.

Thương mại song phương của hai nước vào năm 2020 là 8,02 tỷ USD, giảm khoảng 9,7% so với năm 2019 là 9,09 tỷ USD. Nhìn vào danh sách 20 mặt hàng hàng đầu trong thương mại song phương, mức tăng cao nhất về xuất khẩu của Indonesia sang Việt Nam là dầu động vật và thực vật (91,78%), cao su (37,97%) và đinh hương (21,65%). Sự gia tăng cao nhất về nhập khẩu của Indonesia từ Việt Nam là hóa chất (177,68%), gạo (171,52%), máy tính và các linh kiện và phụ tùng của máy tính (23,60%).

Từ những con số này, thương mại song phương của hai nước dù có tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn đang đi đúng hướng. Tiềm năng và cơ hội vẫn còn rộng mở để gia tăng thương mại song phương của hai nước. Tôi rất lạc quan rằng quan hệ song phương giữa hai nước vẫn bền chặt và gắn bó.

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về khả năng ứng phó với tác động kinh tế của đại dịch của Việt Nam khi là một trong số những nền kinh tế hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020?

Masriati Lita Saadia Pratama: Tôi nghĩ Việt Nam đã làm rất tốt trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Là quốc gia có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, Việt Nam đã phản ứng nhanh và hiệu quả khi dịch bệnh mới xuất hiện. Chính quyền cùng với người dân đã và đang làm việc một cách chủ động và minh bạch. Trong giai đoạn thứ ba của đợt bùng phát, Việt Nam đã thể hiện các phản ứng y tế cộng đồng hiệu quả, chẳng hạn như xác định nhanh các ca bệnh, truy vết tiếp xúc và áp dụng kiểm dịch. Chính phủ cũng đã đảm bảo năng lực của các nhân viên y tế trong nước và cung cấp một số phòng xét nghiệm để đẩy nhanh việc xác định các ca bệnh.

Bên cạnh những hành động quyết liệt của chính quyền Trung ương và địa phương, người dân Việt Nam cũng rất kỷ luật, tuân thủ theo chỉ đạo chính quyền và pháp luật nên việc giãn cách xã hội được thực hiện triệt để và đạt hiệu quả tích cực.

Tôi tin rằng thành công trong việc xử lý sự lây lan của COVID-19 sẽ góp phần vào thành công của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu kép là ngăn chặn đại dịch và giữ cho nền kinh tế đi đúng hướng. Với số trường hợp nhiễm COVID-19 tương đối thấp, chính phủ có thể tập trung vào các nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực vào tháng 8/2020.

Tôi hoan nghênh và chúc mừng chính phủ và nhân dân Việt Nam về nhiều thành tựu to lớn đã đạt được trong năm 2020. Việt Nam đã có một khởi đầu thuận lợi trong năm 2021 và tôi tin rằng điều này tạo điều kiện thuận lợi cho bộ máy lãnh đạo mới, ra mắt sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phóng viên: Trong năm qua, bất chấp tác động của COVID-19 các hoạt động trao đổi về các biện pháp thúc đẩy thương mại song phương vấn được lãnh đạo hai nước thực hiện hiệu quả. Theo bà, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục được thực hiện hiệu quả như thế nào trong thời gian tới?

Masriati Lita Saadia Pratama: Là hai nước láng giềng, Indonesia và Việt Nam luôn muốn tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho nhau. Tôi nghĩ đối với Indonesia và Việt Nam, chúng ta sẽ thúc đẩy đối thoại, minh bạch và trao đổi thông tin về những gì chúng ta đang thực sự cần và những gì chưa cần đến. Indonesia tin tưởng vào đối thoại mang tính xây dựng và sẽ tiếp tục làm như vậy để đạt được các mục tiêu của mình.

Trong tương lai gần, hai nước chắc chắn sẽ cần tiếp tục hợp tác: tích cực trao đổi, loại bỏ các trở ngại và xử lý các hạn chế để các lực lượng thị trường hoạt động trơn tru; vận hành và đóng góp cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Phóng viên: Trong năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia đã được triển khai hiệu quả như thế nào trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á -Âu (ASEM)… thưa bà?

Masriati Lita Saadia Pratama: Indonesia và Việt Nam vẫn cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Cả hai nước tiếp tục tin tưởng rằng Hệ thống Thương mại Đa phương đóng vai trò then chốt trong việc mang lại lợi ích thương mại cho tất cả các bên dù là trong bối cảnh của WTO, APEC hay ASEM. Chủ nghĩa bảo hộ không đưa ra giải pháp nào cho những thách thức mà xã hội và nền kinh tế của chúng ta gặp phải.

Ngày nay, chúng ta đã chứng kiến một thách thức chưa từng có mà COVID-19 gây ra làm gián đoạn nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả nền kinh tế. Tôi tin rằng trong đại dịch toàn cầu này, chủ nghĩa đa phương cũng là một trong những chìa khóa để giải quyết các tác động tiêu cực và chúng ta có thể hợp tác mạnh mẽ hơn để phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Tuyết Lan (thực hiện)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN