Tiếp tục phát triển xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ
(ĐCSVN) - Thủ công mỹ nghệ (TCMN) trong những năm qua luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam và ngành thủ công mỹ nghệ có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, là ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia, góp phần xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.
Phát triển xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ góp phần xóa đói, giảm nghèo |
Sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ
Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác; giải quyết việc làm từ 3 đến 5 ngàn lao động, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỉ suất lợi nhuận cao. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong các năm tới.
Sản xuất hàng thủ công ở Việt Nam chủ yếu dựa trên một hệ thống gồm 2.556 làng nghề trên toàn quốc. Các làng nghề đã tạo việc làm cho khoảng 5,2 triệu lao động nông thôn. Mặc dù ngành thủ công mỹ nghệ có kim ngạch xuất khẩu không cao so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác, nhưng hàng mỹ nghệ lại mang về cho đất nước nguồn ngoại tệ có một tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu.
Do việc sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công phần lớn khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ và hầu như không phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu (ước tính chỉ chiếm từ 3-3,5% giá trị xuất khẩu) nên thuộc nguồn hàng hóa có tính nội lực cao, đồng thời là ngành có điều kiện phát triển ở nhiều khu vực, vùng miền, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của những nơi này. Bên cạnh đó, lực lượng lao động, có kỹ năng và khả năng tiếp thu công nghệ mới khá nhanh chóng, mức lương của lao động Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực đó cũng là một ưu thế cho phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ một cách đa dạng và nâng cao sức cạnh tranh.
Các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến 2,23 tỷ USD (2019). Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam (với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm), bên cạnh đó là các thị trường như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan…), Úc, Hàn Quốc… Hàng TCMN xuất khẩu chủ yếu bao gồm 5 nhóm: Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; hàng gốm sứ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; gỗ mỹ nghệ. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thời trang, quà tặng đã được xuất khẩu tại chỗ thông qua việc phục vụ nhu cầu mua sắm của khách nước ngoài đến Việt Nam (hiện chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu - khoảng 15 USD/khách). Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tại chỗ của Việt Nam thời gian qua chưa được chú trọng một cách chiến lược.
Ngành nghề thủ công giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Phát triển xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam là một trong những lĩnh vực được Chính phủ hết sức quan tâm. Chính phủ Việt Nam coi việc phát triển ngành nghề thủ công là một biện pháp chính sách hữu hiệu giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa và giải quyết vấn đề an sinh xã hội… Người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm hơn về các vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, các vấn đề liên quan đến các tập quán lao động, an toàn và sức khỏe của công nhân, sản xuất sạch-thân thiện với môi trường… Các sản phẩm thủ công sử dụng nguyên liệu tận dụng và tái chế và kênh thị trường thương mại bình đẳng ngày càng được phát triển.
Một trong những giải pháp cơ bản để phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ là nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu đảm bảo đầu ra ổn định cho các mặt hàng TCMN. Đây cũng là định hướng mà Bộ Công Thương đã chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình triển khai Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương nhằm hỗ trợ phát triển các ngành hàng xuất khẩu trong đó có ngành TCMN và các dự án hợp tác quốc tế.
Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2012 đến nay, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại (XTTM) đã hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng để tổ chức thực hiện 23 đề án XTTM hỗ trợ gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã ngành Thủ công mỹ nghệ nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm và tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành hàng đầu tại các thị trường trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng như duy trì sự kiện thương mại quốc tế lớn của ngành tại Việt Nam là Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng Lifestyle Vietnam. Theo đánh giá của các đơn vị chủ trì thực hiện và doanh nghiệp tham gia, hoạt động XTTM với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước tuy còn hạn chế so với nhu cầu của doanh nghiệp nhưng đã hỗ trợ các doanh nghiệp rất nhiều trong việc thâm nhập thị trường, duy trì và mở rộng quan hệ với khách hàng mục tiêu.
Tại mỗi kỳ hội chợ tại nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đã kết nối trực tiếp với trung bình khoảng 500 khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới với nhiều khách hàng tiềm năng đã và đang mua hàng trong khu vực. Khi đến với hội chợ, các doanh nghiệp đã lĩnh hội được rất nhiều các kỹ năng nghiên cứu xu hướng thị trường thông qua các khu trưng bày của khách hàng lớn và của các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, đồng thời cũng rút ra được các nhận định, đánh giá đúng đắn tình hình và diễn biến, khuynh hướng thị trường, các cơ hội và tiềm năng cũng như các nguy cơ, thách thức để xây dựng chiến lược hoạt động lâu dài.
Thông qua việc tham gia hội chợ không những giúp doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam quảng bá thương hiệu, sản phẩm mà còn giúp các doanh nghiệp được trực tiếp quan sát, học hỏi, nắm bắt xu hướng về màu sắc, chất liệu và ý tưởng cả về thiết kế và kiến trúc. Từ đó giúp doanh nghiệp có được định hướng đúng trong phát triển sản phẩm cũng như khi giao thương, tiếp xúc với đối tác nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa cơ hội hợp tác kinh doanh xuất khẩu hàng hóa. Việc duy trì tham dự Hội chợ một cách đều đặn là rất quan trọng, tạo niềm tin với khách hàng, tạo động lực để khách hàng có thể tiếp cận một cách đều đặn với sản phẩm Việt Nam, góp phần quan trọng trong mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa khách hàng và doanh nghiệp.
Đối với hoạt động XTTM định hướng xuất khẩu tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, hỗ trợ Hiệp hội xuất khẩu TCMN Việt Nam tổ chức Hội chợ quốc tế chuyên ngành TCMN – Lifestyle Vietnam là sự kiện xúc tiến thương mại thường niên quan trọng, tạo điểm nhấn góp phần quảng bá thu hút người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước; góp phần nâng cao sức cạnh tranh về sản phẩm của doanh nghiệp và làng nghề nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu thụ nội địa, xuất khẩu.../.