Đổi mới giáo dục không chỉ là chủ trương mà phải là hành động
(ĐCSVN)- Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực còn hạn hẹp, song với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt với sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta đã có những chuyển biến tích cực.
Thay đổi nhận thức về công tác giáo dục và đào tạo
Nhìn lại sự đổi mới giáo dục và đào tạo những năm qua, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: Trong báo cáo văn kiện chính thức của Đại hội lần thứ XIII của Đảng có đánh giá cả mặt làm được và chưa làm được. 7 năm qua chúng ta đã đưa những quan điểm mới, những khái niệm mới vào trong giáo dục. Đó là điểm lớn đã làm được.
Từ vấn đề hoàn thiện hệ thống đến giáo dục phát triển năng lực và vấn đề chất lượng và tự chủ đối với bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, các cơ quan chức năng đã ban hành Khung trình độ 8 bậc để có thể liên thông từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Đổi mới giáo dục và đào tạo không chỉ là chủ trương mà phải là hành động. (Ảnh minh họa: VA) |
“Đây là những vấn đề mà chúng ta đã đặt nền tảng ban đầu và cũng đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong văn kiện có đề cập đến nội dung, đó là: Đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong thời gian vừa qua vẫn chưa thật sự trở thành một động lực then chốt cho phát triển kinh tế-xã hội. Đấy là câu chốt lại và đặt ra nhiều vấn đề cho giáo dục của chúng ta. Do vậy, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra phải đột phá trong nội dung này. Cụ thể là khẳng định cho được vấn đề giáo dục và đào tạo không chỉ là chủ trương mà phải là hành động và quốc sách”- ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, điều quan trọng là thay đổi về nhận thức của cả một hệ thống về công tác giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo thời gian tới đóng vai trò rất quan trọng. Phải coi giáo dục là cơ hội đối với Việt Nam, vì trong tương lai sự cạnh tranh chính là trí tuệ, bằng năng lực chứ không phải nguồn năng lượng, nguồn tài nguyên thiên nhiên hay nguồn lao động. Cùng với đó là vấn đề về quản lý nhà nước. Phải tính toán lại sao cho giáo dục bám sát theo Nghị quyết của Đảng, hệ thống quy định của luật pháp và quản lý nhà nước. Từ đó, chúng ta mới bắt đầu triển khai.
Ông Phan Thanh Bình cho rằng cần tính toán lại sự đầu tư cho giáo dục như thế nào. Đấy là trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo chứ không phải đưa giáo dục ra ngoài xã hội và gọi đó là tự chủ mà ta nói rằng Nhà nước tạo môi trường cho giáo dục và đào tạo phát triển, trong đó có vai trò của Nhà nước và vai trò đóng góp của xã hội.
Cần giải phóng năng lượng đại học
Một vấn đề nữa đặt ra cần phải nhìn lại 4 cấp giáo dục, mỗi cấp có một vai trò, vị trí quan trong. Giáo dục mầm non, tạo ra nền tảng thể chất và con người, đừng xem thường giáo dục mầm non. Hiện nay chúng ta đang cố gắng giáo dục mầm non, thậm chí là phổ cập đến trẻ em 5 tuổi.
Giáo dục phổ thông tạo ra nền tảng để làm công dân. Giáo dục nghề nghiệp là nguồn nhân lực để chúng ta phát triển kinh tế xã hội. Ở các nước đang phát triển, nguồn nhân lực nghề nghiệp rất quan trọng. Hiện nay, đội ngũ này của Việt Nam không nhiều. Còn giáo dục đại học là đội ngũ khác, tinh hoa, làm nòng cốt cho phát triển.
Hiện nay, đối với giáo dục đại học, theo ông Phan Thanh Bình cần làm sao để giải phóng năng lượng đại học. Đó chính là sự tự chủ. Bên trên cũng khá dè dặt khi buông vì chưa biết buông như thế nào, còn bên dưới, khi được nhận thì chỉ nghĩ là được nhận gì mà chưa nghĩ trách nghiệm của mình là gì.
Mô hình cơ sở giáo dục đại học sẽ hoạt động như thế nào; khi được giao quyền tự chủ thì cơ chế giám sát ra sao? Nên hội đồng trường cần phải được thành lập, và hiệu trưởng phải trở thành một "ông CEO" của trường đại học. Hội đồng trường quyết định định hướng chiến lược, định ra chiến lược hoạt động phát triển. Mô hình này chúng ta phải xây dựng cho được.
Được giao quyền tự chủ, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm giải trình; trách nghiệm giải trình luôn luôn đi cùng tự chủ. Với trách nhiệm giải trình, cơ sở giáo dục đại học cần nói rõ trách nhiệm đối với người học như thế nào, đối với giáo viên ra sao, đối với xã hội thế nào? Đây là một vấn đề rất mới, chúng ta cần có thời gian./.