Vì con trẻ, tránh những sự việc đau lòng!
(ĐCSVN) - Vụ việc khoảng 50m tường rào của một trường mầm non tại quận Cầu Giấy, Hà Nội đổ sập trong sáng 8/7 đã gây thiệt hại cho nhiều xe ô tô đỗ sát bên, rất may không có thiệt hại về người. Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra, nếu trong trường hợp có các cháu nhỏ chơi ở đây thì sẽ ra sao?
Bức tường rào đổ sập lên nhiều xe ô tô đỗ kế bên (Nguồn ảnh: dantri.com.vn) |
Sáng 8/7, người dân ở phố Mai Dịch bất ngờ khi thấy khoảng 50m tường rào phía sau Trường mầm non Mai Dịch bất ngờ đổ sập, đè lên hơn 10 chiếc ô tô đỗ ở dưới khiến hư hỏng nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do mưa lớn trong nhiều ngày qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây ra. Tuy nhiên, sau sự việc, một trong những câu hỏi được dư luận đặt ra là liệu công trình bức tường rào đã thực sự được đảm bảo chất lượng? Trong khi đó, mùa mưa bão đã đến, việc mưa to, gió lớn là điều không thể tránh khỏi. Và nhất là, trong những ngày qua, trước ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, liệu nhà trường đã tiến hành kiểm tra về cơ sở vật chất, các cơ sở hạ tầng? Đồng thời, khi xây dựng cơ sở vật chất mà ở đây là tường rào, nhà trường có tính đến phương án cơ sở vật chất phải có khả năng chống chịu mưa to, gió lớn?
Nếu như trong trường hợp tường rào đổ mà là khu vực các em học sinh đang vui chơi ở đây thì hậu quả sẽ khôn lường? Đã có quá nhiều bài học đắt giá cho chúng ta trong thời gian vừa qua. Nhiều học sinh thiệt mạng một cách đau lòng cũng chỉ vì từ những cánh cổng trường, bức tường rào, để lại những nỗi đau khôn nguôi của những bậc làm cha mẹ và người thân.
Chắc hẳn chúng ta chưa quên được vụ việc trong năm 2020 vừa qua, đang giờ ra chơi, một học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An ra ngoài và chơi trước cổng trường. Bất ngờ tường rào ngăn nhà dân với cổng trường đã đổ ập xuống cháu bé. Ngay sau đó, học sinh này được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong.
Hay vụ việc đau lòng tại tỉnh Lào Cai, trong năm 2020 vừa qua, trong lúc chờ vào lớp, một số học sinh rủ nhau chơi đu cánh cổng tại phân hiệu thôn Bản Phung, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn. Do học sinh đu bám nên trụ cổng và cánh cổng bị đổ sập, đè lên 6 em. Vụ việc khiến 3 học sinh tử vong và 3 học sinh bị thương...
Tất nhiên, những vụ việc xảy ra một phần rất cần sự quản lý nghiêm ngặt của nhà trường đối với học sinh nhưng cũng phải nói rằng đây là một công tác sẽ rất khó kiểm soát được hết bởi trẻ em trong độ tuổi mầm non hoặc cấp 1 vẫn là những độ tuổi thường rất hay nghịch và vui đùa và còn có thể có những hành động leo trèo, chạy nhảy mà chúng ta rất khó để kiểm soát được hết.
Chính vì vậy, để bảo đảm an toàn cho các em, việc xây dựng, quản lý cơ sở vật chất trường học rất cần được mỗi nhà trường quan tâm. Và không chỉ cần quan tâm đến các lớp, khu vực học tập, sinh hoạt chính của học sinh mà còn cần quan tâm đến từ những cơ sở nhỏ nhất, bắt đầu ngay từ cánh cổng, cổng trường, hệ thống tường rào… Bất kỳ dù là những bộ phận nào nhưng thuộc hệ thống cơ sở vật chất, cở sở hạ tầng của nhà trường đều cần được quan tâm kiểm tra kỹ lưỡng và phải đảm bảo thi công công trình. Trường học là nơi tập trung số lượng đông học sinh, hầu hết thời gian hàng ngày các em đều ở đây. Vì vậy nếu không đảm bảo vững chắc từ chính cơ sở vật chất của nhà trường thì hậu quả sẽ khôn lường. Và hậu quả ra sao thì chúng ta đã thấy rõ.
Nếu như không vì COVID-19 thì chỉ còn vài tháng nữa là học sinh trên cả nước sẽ bắt đầu tới trường, bắt đầu năm học mới, nhưng liệu đã có bao nhiêu trường kiểm tra lại cơ sở vật chất của mình và thực sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đón học sinh vào học?.
Đừng để thêm những vụ việc đau lòng xảy ra, ảnh hưởng đến con em của chúng ta. Điều này chỉ chấm dứt được khi mỗi nhà trường đều có trách nhiệm vào cuộc, kiểm tra lại tất cả các cơ sở vật chất của trường và kể cả cơ sở vật chất liên quan đến sát cạnh trường để có những xử lý kịp thời và phải thực sự đầu tư cho cơ sở vật chất. Đã xây dựng là phải chắc chắn, phải có người tiến hành theo dõi, giám sátmvà chính những người xây dựng công trình cần có trình độ, cần có trách nhiệm, lương tâm trong xây dựng công trình. Bởi đây chính là môi trường học tập, vui chơi của cả một thế hệ trẻ, là nơi gửi gắm tình yêu thương của những bậc làm cha, làm mẹ và là mầm non, tương lai của đất nước. Đồng thời, việc xây dựng cần đi đôi với việc quản lý cơ sở vật chất, bảo vệ an toàn cho các công trình.
Nếu không làm được như vậy, những sự cố, những tai nạn vẫn sẽ rình rập đến chính con trẻ của chúng ta mỗi ngày, và sẽ có nguy cơ xảy ra hơn mỗi khi thiên tai, mưa, bão xảy ra.
Ngay từ lúc này, thiết nghĩ các nhà trường và các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay để kiểm tra đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường trước khi tiến hành bước vào năm học mới. Và, đã xây, đã sửa là phải tính toán, phải thực sự làm chắc chắn, có kiểm tra chất lượng công trình rõ ràng, minh bạch và đặc biệt cần xuất phát từ cái “tâm” vì tình yêu con trẻ, tránh những vụ việc đau lòng xảy ra./.