Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Văn hóa- sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững

Thứ Năm, 02/12/2021 22:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Với quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững, trong những năm qua tỉnh Quảng Nam đã tập trung quan tâm đầu tư cho phát triển văn hóa...

Đây là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thanh Hồng- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Quảng Nam với phóng viên nhân dịp Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra.

Để đi đến khẳng định trên, đồng chí Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam đưa ra một số đánh giá về kết quả công tác phát triển sự nghiệp văn hóa tại địa phương này thời gian qua. Cụ thể, đồng chí Nguyễn Thanh Hồng-cho rằng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã rất tích cực trong xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, nhờ đó nhiều thành tựu gặt hái được trên mặt trận Văn hóa tại Quảng Nam đã được ghi nhận, góp phần đưa Quảng Nam không ngừng phát triển.

 Quảng Nam xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững.

“Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và người dân trong toàn tỉnh chú trọng. Theo đó, hệ thống các thiết chế văn hóa đã được quan tâm đầu tư; phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tác động tích đến đời sống văn hóa ở cơ sở. Văn hóa các dân tộc thiểu số từng bước được bảo tồn và phát huy. Trong khi đó, quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế về văn hóa tại địa bàn tỉnh cũng không ngừng được tăng cường. Đội ngũ những người làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn và từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chính các kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh; từng bước nâng cao hơn đời sống tinh thần của mỗi người dân Quảng Nam”- đồng chí Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ thêm.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, riêng trong công tác hỗ trợ đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã chi đầu tư từ ngân sách tỉnh 87,4 tỷ đồng. Trong đó, chi cho tu bổ các di tích quốc gia 56,24 tỷ đồng; di tích cấp tỉnh 31,16 tỷ đồng.

Ngoài ngân sách tỉnh, các ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã tranh thủ, huy động các nguồn hỗ trợ từ Trung ương và nguồn của huyện, xã cũng như xã hội hóa và các hỗ trợ khác hơn 46 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí Trung ương chi 2,1 tỷ đồng trong trùng tu di tích Chiên Đàn (600 triệu đồng) và Văn thánh Khổng miếu (500 triệu đồng), chống đỡ cấp thiết tháp B3 Mỹ Sơn (01 tỷ đồng); kinh phí địa phương (huyện, xã) hơn 35 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa (dòng tộc, nhân dân đóng góp) hơn 1,1 tỷ đồng; TP đà Nẵng hỗ trợ 08 tỷ đồng (di tích Đặc khu ủy Quảng Đà).

“Với nguồn kinh phí trên, từ năm 2016 đến nay Quảng Nam đã tập trung tu bổ 15 di tích cấp quốc gia (có 08 di tích đã hoàn thành, 07 di tích đang triển khai thực hiện), 61 di tích cấp tỉnh và dựng 73 bia di tích cấp tỉnh. Tính tới hiện tại, các di tích được trùng tu đều phát huy giá trị, các hoạt động văn hóa truyền thống liên quan đến di tích được phục hồi, góp phàn giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa và cách mạng trong mọi tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, nhiều di tích được đưa vào hệ thống các điểm tham quan, kết nối các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh và du lịch miền Trung”- Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết.

Các nét đẹp truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam được khôi phục.  

Liên quan đến công tác phục hồi, phát huy các di sản, thiết chế văn hóa tại địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua, đáng kể nhất là những thành công tại các khu vực di tích, di sản lớn như Khu phố cổ Hội An hoặc Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đây không chỉ là điểm sáng, điển hình của Quảng Nam mà là mô hình hiệu quả của Việt Nam trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của di sản, di tích, qua đó vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ nét đặc sắc văn hóa dân tộc, đồng thời phát huy giá trị văn hóa các di tích, di sản này để thúc đẩy du lịch phát triển, được bạn bè thế giới biết đến rộng rãi.

Ngoài ra, qua công tác bảo tồn, trùng tu tại Khu phố cổ Hội An hay đền tháp Mỹ Sơn, nhiều công nghệ mới phục vụ công tác bảo tồn di sản, di tích của thế giới được chuyển giao, giới thiệu cho các chuyên gia, kiến trúc sư của Việt Nam. Đây là nền tảng tăng cường sự giao lưu, hợp tác quốc tế trong bảo tồn di tích giữa Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế như: Italia, Ấn Độ, Ba Lan, Nhật Bản, Liên hợp quốc, Jica (Nhật Bản)…. 

Không chỉ ở những khu vực di sản, di tích lớn như Hội An, Mỹ Sơn mà những năm gần đây, tại khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam- nơi cộng đồng nhiều dân tộc thiểu số sinh sống cũng được các cấp, các ngành, địa phương tại Quảng Nam quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nền tảng và động lực để thúc đẩy kinh tế khu vực này phát triển.

Theo Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Quảng Nam đã lập quy hoạch phát triển du lịch dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và dự án khôi phục gần 1.000m đường mòn Hồ Chí Minh tại xã Cà Dy (huyện Nam Giang); quy hoạch xây dựng tượng đài Huyền thoại Trường Sơn tại Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang). Đồng thời đầu tư nhiều hạng mục phục vụ phát triển du lịch dựa trên khu vực di sản quốc gia đặc biệt là đường Hồ Chí Minh đi qua các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang và Phước Sơn của tỉnh. Trong đó, đáng kể như Làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng và Dhờ Rôồng (huyện Đông Giang) hay Làng dệt thổ cẩm Zara và thác Grăng (huyện Nam Giang), Làng du lịch rừng di sản Pơmu (huyện Tây Giang).

Cùng với đó, Quảng Nam cũng xây dựng lán nghỉ chân, nhà trưng bày, đón tiếp và khu nhà ăn- bếp Hoàng Cầm và nhiều hạng mục khác như hầm chữ A, hầm bò và hệ thống giao thông hào để tu hút du khách đến với các địa bàn miền núi kể trên.

“Qua việc đầu tư khôi phục các nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại các huyện miền núi mà di tích quốc gia đặc biệt đi qua địa bàn tỉnh kể trên đã bước đầu thu hút du khách đến với đồng bào, từ đó đưa du lịch và kinh tế khu vực này phát triển”- Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết thêm.

Giao lưu múa rồng của người Nhật tại Hội An . 

Ngoài những nỗ lực trên, đến nay Quảng Nam cũng đầu tư xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, các điểm vui chơi giải trí công cộng tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố và của tỉnh. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị hiện địa văn minh. Các phong tục, tập quán truyền thống, nếp sống sống mới tốt đẹp được phát huy, nhân rộng. Hoạt động văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh đang được các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng trong tỉnh tập trung quan tâm triển khai sâu rộng.

Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Phát huy kết quả đã đạt được trên mặt trận văn hóa thời gian qua, trong những năm đến, trên cơ sở quan điểm xác định văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững. Xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân. Đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa phải tương xứng với đầu tư phát triển kinh tế- xã hội; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và chỉ số hạnh phúc của người dân. Đây vừa là quan điểm phát triển, đồng thời cũng là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hang đầu mà Đảng bộ, các cấp chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết tâm thực hiện trong những năm đến. Qua đó góp phần đưa tỉnh Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ tỉnh./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN