Lào Cai nỗ lực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc
(ĐCSVN) - Hơn 30 năm qua, Lào Cai luôn quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, sớm vận dụng quan điểm phát triển văn hóa bền vững vào công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với bảo vệ môi trường.
Với đường biên giới dài 182,086km, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nhiều năm qua, hoạt động giao lưu, tiếp biến văn hóa diễn ra thường xuyên, liên tục, trở thành những thách thức rất lớn đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.
Trước thực trạng đó, ngay từ khi tái lập, tỉnh Lào Cai đã xác định bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh để các cấp, các ngành căn cứ thực hiện tốt mục tiêu “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”.
Kết quả từ những nỗ lực
10 năm đầu tái lập (1991 - 2000) được xem là giai đoạn khó khăn nhất của công cuộc tái thiết tỉnh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, an ninh quốc phòng… đặc biệt là lĩnh vực văn hóa. Nhiệm vụ bảo tồn văn hóa các dân tộc, các địa điểm lịch sử, các di chỉ... được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các cấp, các ngành luôn nỗ lực để thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng bảo tồn các loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc, có giá trị độc đáo, đồng thời từng bước xóa bỏ những hủ tục, mê tín, dị đoan tồn tại trong cộng đồng các dân tộc.
Kết quả đạt được trong giai đoạn này là tiền đề để ngành văn hóa tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn bản sắc văn hóa và phát huy các giá trị văn hóa, từng bước mang lại lợi ích cho chủ thể sáng tạo văn hóa. Tiếp nối những thành quả từ các nhiệm kỳ trước, đồng thời thực hiện hiệu quả tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thông qua Đề án số 3 “Phát triển văn hóa - du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025” và Dự án “Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai phục vụ phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.
Lào Cai tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch tới bạn bè trong và ngoài nước |
Ngoài các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh, Lào Cai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dành nhiều dự án thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa trong việc bảo tồn thôn, bản dân tộc truyền thống có thể kể ra như: Dự án bảo tồn thôn truyền thống dân tộc Mông tại bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa năm 2009 - 2010; dân tộc Hà Nhì tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát năm 2019 - 2020; các Dự án thuộc chương trình 1719 của Chính phủ và các dự án liên quan đến tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia, dự án bảo tồn lễ hội truyền thống các dân tộc, bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc…
Công tác bảo tồn, khai thác văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm. Có hàng chục nghi lễ, lễ hội của đồng bào được khôi phục như: lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày, Giáy; lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông; lễ Lập tịch, tết Nhảy của dân tộc Dao, lễ cúng rừng của người Nùng…
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chương trình đưa thông tin về cơ sở góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tập quán lạc hậu, các hủ tục đã tồn tại suốt bao đời trong cộng đồng được tập trung đẩy mạnh. Công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật cũng được quan tâm, từ năm 1991 - 2000, hàng ngàn hiện vật đã được Bảo tàng tổng hợp tỉnh sưu tầm, bảo quản; hàng chục di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được nghiên cứu, xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, như: khu chạm khắc đá cổ Sa Pa, đền Bảo Hà, đền Thượng, dinh Hoàng A Tưởng, khu căn cứ cách mạng Cam Đường…
Công tác lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia được đặc biệt quan tâm thực hiện. Hiện toàn tỉnh có 52 di tích được cộng nhận, trong đó 32 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và 22 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Các di tích đều được quan tâm trùng tu, tôn tạo theo từng giai đoạn, đảm bảo tính nguyên gốc, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, có các công trình phụ trợ phù hợp.
Nhất quán quan điểm bảo tồn gắn với phát triển, do vậy các di tích đều trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong hành trình đến với mảnh đất Lào Cai. Nhất là các di tích thuộc hệ thống tứ phủ, đạo mẫu như: đền Bảo Hà, đền cô Tân An, đền Đôi Cô, đền Cấm, đền Thượng, đền Mẫu, đền Bắc Hà, đền Hàng Phố…., qua đó góp phần gia tăng tổng doanh thu du lịch trên địa bàn tỉnh, đồng thời, tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Tiếp nối những thành quả đã đạt được, tỉnh Lào Cai tiếp tục xác định việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Nếu các giai đoạn trước chủ yếu là nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng lại những di sản văn hóa, lễ hội truyền thống các dân tộc đã và đang có nguy cơ mai một, thì bước sang giai đoạn 2000 - 2015 là hướng đến lựa chọn, bảo tồn lại những di sản có giá trị và mang đậm bản sắc dân tộc, gắn việc bảo tồn với phát triển sản phẩm phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa.
Đến năm 2015, tỉnh Lào Cai đã tiến hành kiểm kê tổng thể 25 nhóm ngành dân tộc ở 500 làng, bản theo 7 loại hình đã được đưa ra tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 và trở thành một trong số ít địa phương hoàn thành sớm nhất công tác kiểm kê di sản văn. Cùng với đó, Lào Cai cũng rất tích cực trong việc nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đối với những di sản văn hóa có giá trị trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhằm tiếp tục phát huy những thành quả của các giai đoạn trước, năm 2015 Tỉnh ủy tiếp tục thông qua Đề án số 8 về “Phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”. Kết quả đạt được đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch của cả nước.
Tính đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 03 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Nghi lễ và trò chơi kéo co Tày - Giáy” trong bộ hồ sơ liên quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co” của 4 nước Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines, Campuchia; “Thực hành nghi lễ then người Tày” trong bộ hồ sơ “Thực hành nghi lễ then Tày - Nùng - Thái” và “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Số lượng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là 41, trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh. Đó là nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Lào Cai.
Lễ rước kiệu tại lễ hội đền Bảo Hà. |
Nhờ cơ chế, chính sách bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, Lào Cai ngày càng thu hút du khách và trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc. Từng bước mang lại thu nhập và lợi ích cho chủ thể văn hóa các dân tộc, khích lệ cộng đồng càng giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống quý báu.
Năm 2023, Lào Cai đón 7,2 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt trên 22.000 tỷ đồng. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, đón 10 triệu lượt khách du lịch. Với quan điểm phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, tin tưởng rằng khát vọng xây dựng Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam sẽ sớm hoàn thành.
Một số bài học kinh nghiệm
Có thể nói, công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Lào Cai đã đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ tính sáng tạo, khoa học trong triển khai nhiệm vụ. Từ đây có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, luôn xác định bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử phải gắn với phát triển du lịch, với mục tiêu “biến di sản thành tài sản” và coi “du lịch là bà đỡ của di sản văn hóa”. Bởi vậy, xuyên suốt trong các đề án, dự án của tỉnh các nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa luôn được gắn với phát triển du lịch.
Hai là, đề cao vai trò của đội ngũ nghệ nhân, già làng - những người am hiểu nắm giữ tri thức và di sản trong cộng đồng. Ở mỗi địa phương, mỗi dân tộc xây dựng một đội ngũ nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân và các cộng tác viên trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử.
Ba là, chú trọng xây dựng các di sản văn hóa, di tích lịch sử thành các sản phẩm du lịch độc đáo. Đặc biệt chú trọng xây dựng và thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ thôn, bản gắn với phát triển du lịch. Xây dựng nhiều sản phẩm đạt chất lượng OCCOP trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, an toàn, chất lượng cao.
Trải qua hơn 30 năm triển khai nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử địa phương đã cho thấy sự quyết liệt, sáng tạo của các cấp, các ngành trong việc thống nhất quan điểm và sự nhất quán trong thực hiện là: Gắn bảo tồn với phát triển; gắn bảo tồn văn hóa, lịch sử với phát triển du lịch, thực hiện tốt chủ trương “biến di sản thành tài sản”, mang lại nguồn lợi cho ngân sách tỉnh và cộng đồng; bảo tồn di sản tại chỗ trong cộng đồng, tôn trọng quyền làm chủ của chủ thể văn hóa.
Nhờ có chủ trương đường lối và chính sách đúng đắn đã từng bước đưa Lào Cai trở thành một trong những tỉnh bảo tồn tốt nhất các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc, khai thác và phát huy hiệu quả các di sản, di tích gắn với du lịch góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.