Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chung sức xây dựng nền công nghiệp văn hóa giàu bản sắc dân tộc

Thứ Ba, 02/07/2024 09:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” tập đầu trên sóng VTV3 ngày 29/6/2024 đã thu hút sự chú ý của khán giả bởi những giá trị nghệ thuật và nhân văn mà một kênh truyền hình quốc gia cần làm trong thời đại 4.0, kỷ nguyên số, đồng thời mở ra cơ hội để các nhà sản xuất hướng tới mục tiêu xa hơn là chung sức phát triển ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam.

Trong tập đầu tiên của “Anh trai vượt ngàn chông gai” trên sóng VTV3 ngày 29/6/2024, những ca khúc như “Niềm tin chiến thắng” do danh thủ Hồng Sơn, “Tình đất” do NSND Tự Long hay “Đón bình minh” do nhóm nghệ sĩ trẻ biểu diễn đã truyền cảm hứng yêu Tổ quốc, yêu quê hương, khích lệ tinh thần sống tích cực và vun đắp giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ thanh niên.

Khoảnh khắc danh thủ Hồng Sơn và nghệ sĩ Tự Long giơ tay chào kiểu nhà binh và bắt nhịp hát Quốc ca cho các bạn trẻ mở đầu chương trình đã khiến nhiều khán giả trào nước mắt về bài học của tinh thần gương mẫu, “đi đâu cũng nhớ mình là người lính, là công dân có trách nhiệm”, cũng như mang đến nguồn cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức cống hiến cho cộng đồng trong mỗi bạn trẻ.

Khoảnh khắc giơ tay chào kiểu nhà binh và bắt nhịp hát Quốc ca cho các bạn trẻ của danh thủ Hồng Sơn, NSND Tự Long mang lại nhiều cảm xúc (Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp)

“Gia đình tôi đã có một buổi tối mãn nhãn, mãn nguyện. Đó thực sự là khoảnh khắc hiếm hoi kết nối cả nhà trong thời đại mà điện thoại thông minh hấp dẫn hơn tivi. Tôi vẫn mong có những chương trình như thế trên truyền hình, hướng đến việc kết nối gia đình như ngày xưa. Nơi mà ít nhất 2 thế hệ, cha mẹ và con cái có thể cùng ngồi xem với nhau, trò chuyện với nhau, vượt qua những rào cản, khoảng cách thế hệ”, khán giả Đỗ Việt Hà, 44 tuổi, đến từ thành phố Hồ Chí Minh bình luận trên mạng xã hội.

Có thể nói, với 15 tập trong năm 2024, sân khấu chương trình gây ấn tượng mạnh mẽ bởi hình ảnh và âm thanh hiện đại, tạo “đất diễn” cho các anh tài thể hiện năng lực, thể hiện sự tôn trọng cho cả nghệ sĩ và khán giả, mang đến một không gian biểu diễn đẳng cấp, góp phần tôn vinh tài năng và cống hiến của các nghệ sĩ.

Chương trình đề cao giá trị nghệ thuật đích thực, góp phần định hướng thẩm mỹ cho khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh đó, các sản phẩm âm nhạc cũng truyền tải giá trị nhân văn, kết nối các thế hệ và kết nối công chúng. Đây là bước đệm quan trọng để xây dựng nền công nghiệp văn hóa lành mạnh, giàu bản sắc dân tộc.

Nhà báo Hoàng Anh Tú (người được nhiều người trẻ Việt Nam nhớ đến trong tư cách người giữ mục Công ty Divu dưới bút danh "anh Chánh văn" trên báo Hoa học trò từ năm 2000 đến 2010) chia sẻ: “Tôi vẫn tin rằng nếu chúng ta đầu tư, thực sự tâm huyết thì “xuất khẩu văn hoá Việt” cũng không khó. Thời gian qua, không ít nghệ sĩ, ca sĩ trẻ của chúng ta đã có người hâm mộ nước ngoài. Thứ chúng ta cần, cũng như văn hoá K-pop đã làm trong những thập niên 1990 - 2000, là sự quan tâm của Chính phủ”.

Nhìn vào quy mô có thể thấy chi phí đầu tư khá lớn và đầy tâm huyết trong bối cảnh kinh tế khó khăn là tín hiệu tích cực cho ngành giải trí Việt Nam. Do đó, sự hưởng ứng tích cực từ khán giả cũng là nguồn cổ vũ to lớn cho nhà sản xuất.

Chắc chắn khi kênh truyền hình quốc gia có thêm những sản phẩm như vậy sẽ tạo động lực đóng góp tích cực hơn nữa từ nhà sản xuất, nghệ sĩ…, giảm ảnh hưởng của những video clip vô nghĩa, thậm chí độc hại tới giới trẻ. Làm được như vậy cũng có nghĩa tất cả chúng ta đang cùng nhau đưa ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam phát triển toàn diện và hiệu quả./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN