Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Văn hoá Ê-đê trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở Đắk Lắk

Thứ Sáu, 08/11/2024 09:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Qua khảo sát sự biến đổi trong đời sống văn hoá của cộng đồng Ê-đê trong thời gian qua cho thấy quá trình tăng trưởng kinh tế đã làm thay đổi sâu sắc diện mạo đời sống vật chất, nâng cao mức sống người dân, phá vỡ sự “đóng băng” văn hoá trong từng tộc người, từng buôn làng, tạo ra sự giao lưu mạnh mẽ…

Đây là những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà- Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III khi trao đổi, nói về văn hoá Ê-đê trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà nhắc lại những nghiên cứu của mình liên quan đến văn hoá cộng đồng người Ê-đê ở Đắk Lắk được ông viết trong cuốn sách “Văn hoá Ê-đê truyền thống và biến đổi” (NXB Đà Nẵng, 2007). Trong đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà nhấn mạnh: Bên cạnh mặt tích cực kể trên, trong khảo sát của mình, ông cũng nhận thấy quấ trình biến đổi trong đời sống văn hoá của cộng đồng đồng bào Ê-đê tại Đắk Lắk thời gian qua cũng tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần của đồng bào. Đó là sự đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc, suy thoái các chuẩn mực truyền thống vốn có tính cộng đồng và đạo đức cao..

 

GS.TS Nguyễn Ngọc Hoà cho biết, có một bộ phận người Ê-đê do chưa nhận thức đúng đắn đã chối bỏ các sinh hoạt văn hoá truyền thống đặc sắc, tự ti, mặc cảm với lối sống truyền thống của mình, một bộ phận khác lại choáng ngợp những cái mới lạ từ bên ngoài mà không đủ sức phân biệt đúng-sai, tốt- xấu… Điều đó nói đến mức độ đồng hoá tự nhiên không tránh khỏi trong quá trình tộc người nhưng cũng cảnh báo nguy cơ về sự biến mất của các sắc thái văn hoá vốn phong phú và đa dạng.

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hoà cũng cho rằng, với tư cách là những giá trị được kết tinh khá lâu đời, văn hoá Ê-đê đã có vai trò tích cực to lớn trong sự phát triển kinh tế- xã hội, trong quá trình tộc người đầy khó khăn và phức tạp. Nó thể hiện gần như đầy đủ cái “thiên chức”, nề tảng tinh thần trong cộng đồng cũng như sự điều tiết ràng buộc cá nhân với cộng đồng trong quá trình phát triển..

Cộng đồng người Ê-đê ngày nay luôn đoàn kết, gắn bó với các cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh để phát huy văn hoá truyền thống, tạo dựng sức mạnh xây dựng và phát triển quê hương.
 

“Trong mấy chục năm qua, những sự “kết dính” văn hoá ấy giữ cho cộng đồng Ê-đê không bị tan rã một cách nhanh chóng dưới áp lực của kinh tế thị trường; giữ cho người Ê-đê không bị “tha hoá” quá nhanh theo lối sống tiêu cực. Và quan trọng hơn là chính những nhân tố văn hoá đã nâng cao ý thức tộc người trong cộng đồng Ê-đê, tạo giữ cho họ niềm tin,  lòng tự trọng trên con đường xây dựng và phát triển. Đó là những giá trị văn hoá được kết tinh trong luật tục Ê-đê, trong kho tàng văn hoá dân gian đặc thù của cộng đồng Ê-đê tại Đắk Lắk, những tri thức kinh nghiệm về phát triển kinh tế, bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống”- PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà nhấn mạnh thêm./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN