Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Văn hóa biên giới Việt - Lào: Kết nối truyền thống, thắp sáng tình hữu nghị

Thứ Hai, 23/09/2024 14:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Biên giới Việt - Lào không chỉ là ranh giới địa lý, mà còn là không gian giao thoa văn hóa đặc biệt giữa các dân tộc thiểu số sinh sống dọc theo đường biên. Qua hàng trăm năm, các cộng đồng dân cư ở đây đã cùng chia sẻ những giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh bản sắc dân tộc, đồng thời thắp sáng tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc anh em Việt - Lào.

Các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Việt - Lào là những cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời dọc theo đường biên giới, góp phần làm nên sự phong phú và đa dạng về văn hóa giữa hai quốc gia. Cư trú ở vùng biên giới Việt - Lào, cộng đồng 38 dân tộc nói chung, đã và đang đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp xây dựng, đoàn kết, phát triển mối quan hệ giao lưu, gắn bó giữa hai quốc gia có đường biên giới tiếp giáp nhau.

Những dân tộc thiểu số này không chỉ chia sẻ không gian sống mà còn giao lưu văn hóa và hỗ trợ lẫn nhau trong đời sống hàng ngày. Sự đa dạng và giàu bản sắc của họ đã tạo nên một bức tranh văn hóa độc đáo, góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam và Lào. Trong không gian văn hóa này lưu giữ nhiều giá trị di sản vật thể, phi vật thể thông qua nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như hát dân ca, múa dân gian, những làn điệu khèn, sáo đầy sức sống, các lễ hội cổ truyền giúp kết nối tinh thần giữa con người và thiên nhiên, giữa cộng đồng các dân tộc thiểu số anh em. Không chỉ có sự giao thoa văn hóa, mà ngay cả tình cảm chân thành, sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày giữa người dân hai nước cũng là minh chứng đậm nét cho tình hữu nghị bền vững.

Trong số cộng đồng các dân tộc ở vùng biên giới Việt - Lào có nền văn hóa đậm bản sắc, người Thái, còn gọi là người Tày Đăm, sinh sống nhiều ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam và Lào. Đồng bào có nền văn hóa độc đáo, với hệ thống tín ngưỡng phong phú, các lễ hội lớn như Lễ Xên Bản, Xên Mường. Kiến trúc nhà sàn, trang phục thổ cẩm và nghệ thuật dân gian như điệu múa xòe cũng là những nét đặc trưng của người Thái.

Người Mông sinh sống tại các vùng núi cao ở cả Việt Nam và Lào, thường tập trung ở các tỉnh biên giới như Sơn La, Điện Biên. Họ nổi tiếng với những lễ hội như Lễ Cúng Ma Khô, những tập tục liên quan đến sản xuất nông nghiệp bền vững, và những sản phẩm thủ công tinh xảo như vải lanh, thổ cẩm.

Người Khơ Mú là một trong những dân tộc thiểu số lớn tại khu vực biên giới Việt - Lào, đặc biệt tại Nghệ An và các tỉnh lân cận của Lào. Họ có các lễ hội quan trọng như Lễ Cúng Bản, lễ cúng cơm mới, đồng thời duy trì truyền thống săn bắt, hái lượm và làm nương rẫy.

Người Lào Lùm sinh sống ở vùng phía Tây Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh biên giới Việt - Lào. Văn hóa Lào có sự tương đồng với văn hóa Việt, đặc biệt trong cách tổ chức các lễ hội như Bunpimay, lễ hội té nước, cũng như các nghi thức tín ngưỡng Phật giáo.

 Nền văn hóa của dân tộc Tà Ôi ở khu vực biên giới Việt - Lào rất đặc sắc và phong phú, với các yếu tố tín ngưỡng, phong tục, tập quán và nghệ thuật dân gian lâu đời.

Người Tà Ôi sống chủ yếu ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và các tỉnh phía Nam Lào. Họ có các phong tục tập quán về săn bắt, làm nông, và các nghi lễ tín ngưỡng như cúng thần linh, tổ chức các lễ hội như Lễ đâm trâu để cầu mùa màng bội thu.

Người Bru-Vân Kiều sinh sống chủ yếu tại Quảng Bình, Quảng Trị (Việt Nam) và một phần ở Lào. Họ có nền văn hóa đậm chất tín ngưỡng dân gian, tôn thờ tổ tiên, và có các nghi lễ quan trọng như Lễ mừng lúa mới. Họ nổi bật với trang phục thổ cẩm và những nghi lễ liên quan đến nông nghiệp.

Những phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống, và tín ngưỡng đa dạng của người Thái, Mông, Lào, Bru-Vân Kiều, Khơ Mú… cộng đồng các dân tộc thiểu số không chỉ tạo nên một không gian văn hóa phong phú, đa dạng, còn là cầu nối văn hóa giàu tính nhân văn. Các lễ hội như Lễ cúng cơm mới, Lễ hội Bunpimay, hay Lễ Xên Bản - Xên Mường được tổ chức hàng năm không chỉ là dịp để con người tạ ơn thiên nhiên, tổ tiên, mà còn là cơ hội để cộng đồng hai nước cùng nhau tề tựu, thắt chặt tình đoàn kết.

Văn hóa các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Việt - Lào không chỉ là di sản quý báu của từng quốc gia, mà còn là tài sản chung, thể hiện sự tôn trọng và tình yêu đối với nền văn hóa đa dạng. Trong dòng chảy của thời gian, văn hóa ấy vẫn không ngừng phát triển, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đồng cam cộng khổ giữa hai dân tộc Việt - Lào, mãi mãi sáng soi qua từng thế hệ.

Bài, ảnh: N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN