Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền

Thứ Hai, 23/09/2024 16:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng, nên Người rất quan tâm đến việc làm tốt công tác tuyên truyền.

Theo Người, muốn phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân thì công tác tuyên giáo cần xem trọng tất cả các đối tượng tuyên truyền. Muốn cho công tác tuyên truyền, huấn luyện thành công cán bộ tuyên giáo phải nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của tất cả các đối tượng và luôn đề cao sự góp sức của toàn thể đồng bào, không phân biệt giới tính, dân tộc, thành phần xã hội.

Để hoàn thành nhiệm vụ công tác tuyên giáo, tuyên truyền phải giản đơn, rõ ràng, cụ thể, thiết thực, đúng chỗ, đúng lúc, phải luôn đổi mới và sử dụng cách truyền đạt dễ hiểu nhất để vừa truyền tải hết nội dung vừa để người nghe, người tiếp nhận thông tin hiểu được hết, nắm bắt được hết. Tuyên truyền là để người dân hiểu, dân tin và làm được. Phải tuyên truyền cả lý luận và công tác. Tuyên truyền lý luận là dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Tuyên truyền công tác là làm cho người dân hiểu vì sao phải làm những công việc đó? Làm những gì? Làm như thế nào? Tất cả nhằm đem lại lợi cho dân và tránh hại cho dân. Những câu hỏi nêu trên phải được cụ thể hóa, hiện thực hóa, sử dụng ngôn từ gẫn gũi nhất và dễ hiểu nhất đối với các đối tượng cần được truyền đạt thông tin. Tránh nói hoa mỹ, nói “hay” hoặc cách viết dùng từ nhiều nghĩa, không rõ nghĩa...

Trong công tác tuyên truyền, cán bộ là khâu quyết định thành công, nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ tuyên truyền lại là đạo đức. Bác căn dặn cán bộ phải có tình yêu thương và nhiệt tình cách mạng. Lý tưởng cao đẹp ấy sẽ là ngọn đèn soi đường dẫn lối, nhắc nhở cán bộ trong mỗi việc làm không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn trách nhiệm, mà còn cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người nói: “Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng, cái hay mà làm”. Để có hiệu quả cao nhất công tác Tuyên giáo, tuyên truyền phải luôn đổi mới và sử dụng cách truyền đạt dễ hiểu nhất để vừa truyền tải hết nội dung vừa để người nghe, người tiếp nhận thông tin hiểu được hết, nắm bắt được hết. Để có cách truyền đạt dễ hiểu là cả quá trình rèn luyện cách nói, cách viết. Sử dụng ngôn từ gẫn gũi nhất và dễ hiểu nhất đối với các đối tượng cần được truyền đạt thông tin. Tránh nói hoa mỹ, nói “hay” hoặc cách viết dùng từ nhiều nghĩa, không rõ nghĩa... Việc này đòi hỏi cần đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện, mà cách hay nhất là “Học ở nhân dân”, học ở “đối tượng” mình tuyên truyền. Bên cạnh việc nhận thức đúng về vai trò của nhân dân, một yếu tố góp phần quan trọng làm nên thành công của công tác tuyên truyền là phương pháp làm việc của cán bộ tuyên truyền. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực” để quần chúng hiểu đúng đường lối chính sách của Đảng, của Chính phủ, từ đó tự giác tham gia công việc cách mạng. Theo Bác: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Qua đó, Bác rút ra kết luận: “Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được”.

Theo Bác thì công tác tuyên truyền, tuyên giáo là phải chủ động và linh động, sáng tạo, luôn luôn có tư duy đổi mới. Trong công tác tuyên giáo các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, ngoài việc cập nhật kịp thời đường lối, chủ trương mới của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành, triển khai tốt các định hướng, chỉ đạo của cấp trên cần chủ động, linh động để triển khai thực hiện các định hướng, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm riêng của từng địa phương, địa bàn phụ trách. Không áp dụng máy móc, thiếu tính thực tiễn để mang lại hiệu quả không cao. Không bị động, chờ chỉ đạo mới triển khai khi thực tế đang đòi hỏi đưa ra hướng giải quyết kịp thời. Để làm được điều đó đòi hỏi cán bộ, công chức làm Tuyên giáo phải có phong cách làm việc sâu sát quần chúng để hiểu được tư tưởng, dư luận xã hội và đưa ra cách thực hiện mang lại hiệu quả cao, làm tốt công tác dự báo đi trước đón đầu công tác tư tưởng.

Trong giai đoạn hiện nay, công tác Tuyên giáo của Đảng cực kỳ khó khăn. Hiện nay, với thời đại công nghệ 4.0 thì các thông tin trên mạng điện tử có rất nhiều nguồn cung cấp khác nhau, có thông tin tích cực, có thông tin tiêu cực, điều này làm ảnh hưởng và tác động đến các thông tin chính thống. Trong khi công tác tuyên giáo và tuyên truyền tập trung vào hai nhiệm vụ chính trọng tâm, thường xuyên là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân nắm rõ và đồng lòng cùng thực hiện. Thực trạng hiện nay và trong thời kỳ nào cũng vậy, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị… ra sức chống phá nước ta một cách toàn diện, trong đó có phương thức tung ra những luận điệu xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước… Một bộ phận nhân dân do thiếu thông tin nên dẫn đến mất phương hướng, hoang mang trước những luận điệu xuyên tạc, dễ bị lợi dụng, kích động và bị lôi kéo làm những việc gây tổn thất cho kinh tế, an ninh trật tự đất nước và hình ảnh của người Việt Nam. Chính vì vậy, đi đôi với việc giáo dục, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, công tác Tuyên giáo phải thường xuyên nâng cao tính chiến đấu, chủ động phản bác kịp thời, sắc bén những luận điệu xuyên tạc, phủ định, vu cáo của các thế lực thù địch, phản động để giữ vững trận địa tư tưởng, đem lại niềm tin cho Nhân dân.

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay, công tác tuyên giáo của Đảng luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Bên cạnh những mặt thuận lợi là cơ bản, công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cũng còn không ít những hạn chế. Khéo léo vận dụng bài học tuyên truyền của Bác, từ điều kiện thực tế, lựa chọn cách thức phù hợp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nói riêng và những nhiệm vụ tuyên giáo nói chung, chắc chắn công tác tuyên giáo sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân tin tưởng, giao phó./.

 

VH(Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN