Vấn đề IUU: Đừng để chuyển từ thẻ vàng sang thẻ đỏ!
(ĐCSVN) - Cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được dỡ bỏ hay không phụ thuộc rất lớn từ chính ý thức, trách nhiệm của mỗi chính quyền địa phương có biển và các ngư dân tham gia khai thác hải sản. Thực tế, vấn đề nổi cộm hiện nay, đó là cần giải quyết dứt điểm vấn đề tàu cá vi phạm khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).
Ảnh minh họa. (Nguồn: ĐT) |
Đã gần 4 năm trôi qua kể từ khi EC rút thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (ngày 23/10/2017). Và đến nay, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nhưng thẻ vàng vẫn chưa được tháo gỡ. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nếu như không gỡ được thẻ vàng và vẫn tiếp tục có những vi phạm, rất có khả năng EC sẽ chuyển từ phạt thẻ vàng sang thẻ đỏ.
Thực tế trong suốt thời gian 4 năm qua, đã có 21 quốc gia bị rút thẻ vàng, trong đó đã có 14 quốc gia đã gỡ được, còn lại 7 quốc gia (trong đó có Việt Nam) chưa thể gỡ. Đáng chú ý, đã có 6 quốc gia bị rút thẻ đỏ, trong đó có 3 quốc gia gỡ được thẻ và còn 3 quốc gia.
Việc chưa gỡ được thẻ vàng là thách thức lớn đối với Việt Nam, bởi điều này ảnh hưởng đến tín chỉ, các thủ tục hành chính, kiểm soát thủy sản vào EU, từ đó sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín của thủy sản Việt Nam tại các thị trường khác.
Vậy, đâu là những vướng mắc mà thủy sản Việt Nam đang gặp phải dẫn đến chưa tháo gỡ được thẻ vàng từ EC?. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện còn 4 thách thức lớn, bao gồm:
Thứ nhất, về vấn đề xây dựng luật pháp, phía Việt Nam đã tranh thủ ý kiến của EU trong Luật Thủy sản năm 2017. Với các điều khoản này, EU thấy rằng phía Việt Nam đã có tinh thần cầu thị và mong muốn xây dựng một ngành thủy sản phát triển bền vững. Tuy nhiên, với 2 Nghị định và 8 Thông tư đã tham vấn vẫn có những điểm phía EU chưa đồng thuận cao với phía Việt Nam.
Thứ hai là vấn đề truy xuất nguồn gốc, EU sẽ thanh tra việc đánh bắt cá ở vùng biển của Việt Nam, cá được đánh bắt mang về cảng phân loại ra sao, mang về kho chế biến xuất khẩu đi những thị trường nào, còn tồn bao nhiêu kg?… Tuy nhiên, về việc này vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là về vấn đề hạ tầng, nguồn nhân lực, dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc đang là bài toán khó.
Thứ ba là vấn đề thực thi pháp luật. Đến nay, có những tỉnh đã tiến hành xử phạt về vấn đề khai thác IUU với tổng số tiền đến nay đạt 43 tỷ đồng nhưng có những địa phương chỉ nhắc nhở và có địa phương chỉ lập biên bản. Việc này dẫn đến các đội tàu chuyển từ những nơi xử phạt sang nơi nhắc nhở để hoạt động, làm cho công tác quản lý đội tàu càng thêm phức tạp.
Thứ tư và cùng là vấn đề đáng chú ý nhất khi đầu năm nay, vẫn xảy ra 32 vụ với 56 tàu và 446 người vi phạm về chống khai thác IUU.
“Việc này nếu không làm tốt thì rất khó có thể gỡ được thẻ vàng mà thậm chí chuyển sang thẻ đỏ. Phía EC cho biết nếu còn tàu vi phạm thì không nói đến chuyện gỡ thẻ vàng” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Có thể nói, đây là 4 vấn đề rất đáng quan tâm của ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là việc tàu cá vi phạm khai thác IUU là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu và cần có hướng để khẩn trương giải quyết, khắc phục nhất là khi phía EC đã đưa ra tuyên bố trước đó, chừng nào còn tàu cá vi phạm khai thác IUU thì chừng đó vẫn chưa thể tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
Bản chất của vấn đề ở đây đòi hỏi Việt Nam cần thực hiện tốt việc quản lý tàu cá, đảm bảo các tàu cá khi ra khơi đánh bắt cần đảm bảo tuân thủ theo các quy định của Luật Thủy sản, đảm bảo tuân thủ theo quy định chống khai thác IUU, không vi phạm vùng biển của nước ngoài. Đây là vấn đề mà chính quyền các địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc và quyết liệt để từng bước hạn chế dần và tiến tới chấm dứt tình trạng các tàu cá vi phạm trong thời gian ngắn nhất.
Kinh nghiệm từ những nước đã tháo gỡ được thẻ vàng cho thấy, về vấn đề này, họ đã triển khai rất nghiêm túc và có hiệu quả trong việc quản lý tàu cá. Tiêu biểu như Thái Lan, đã được EC tháo gỡ thẻ vàng từ đầu năm 2019 khi nước này đã có rất nhiều nỗ lực: thiết lập quy định xử phạt nghiêm khắc nếu cố tình vi phạm, đồng thời, củng cố các cơ chế, hệ thống kiểm tra đội tàu đánh cá quốc gia, trong đó có hoạt động giám sát từ xa các hoạt động đánh bắt cá và kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng ngay tại cảng. Theo đó, tất cả tàu cá của Thái Lan đều được lắp đặt hệ thống định vị giám sát tàu cá VMS, từ đó, các nhân viên của Tổng cục Thủy sản sẽ nắm rõ các tàu cá đang hoạt động ở đâu, nằm trong vùng lãnh hải của Thái Lan hay ở khu vực cấm đánh bắt.
Cùng với giải pháp trên, Tổng cục Thủy sản Thái Lan đã triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát nghề cá. Từ đây, vị trí của mọi tàu cá đều hiển thị trên màn hình trung tâm. Nếu có bất cứ tàu nào ra khỏi vùng biển Thái Lan, các nhân viên của trung tâm sẽ ngay lập tức cảnh báo và yêu cầu tàu quay trở lại.
Trong khi đó, tại nước ta, thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, với việc hướng dẫn các địa phương thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tính đến 30/4/2021 cả nước đã lắp đặt được 26.865 tàu, mới đạt tỷ lệ 86,8%. Do vậy, việc lắp đặt hệ thống giám sát, định vị tàu cá là vấn đề mà Việt Nam cần phải tăng tốc thực hiện nhanh hơn nữa để có được sự quản lý chặt chẽ về hành trình khai thác của từng tàu cá.
Và để triển khai được điều này, cần tuyên truyền cho các ngư dân về việc thực thi chống khai thác IUU, về những điều không được làm để đảm bảo tuân thủ các quy định của IUU, về ảnh hưởng của việc nếu vi phạm IUU sẽ tác động trực tiếp đến đại cục chung của xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU và ảnh hưởng trực tiếp đến các thị trường khác, và xa hơn, ảnh hưởng đến chính nghề cá của Việt Nam.
Việc tuyên truyền này cần được triển khai rộng rãi hơn nữa, tích cực hơn nữa, sâu rộng hơn nữa và có thông điệp, nội dung trọng điểm để cả chính quyền các địa phương và ngư dân thực sự thấm nhuần của cần thiết tham gia vào việc tháo gỡ thẻ vàng.
Chỉ khi chấm dứt được vấn đề tàu cá vi phạm, chỉ khi không có tàu cá vi phạm vùng biển của nước ngoài, thì khi đó, cùng với những nỗ lực khác thì đây sẽ là điều kiện quan trọng đầu tiên để EC xem xét gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các địa phương trong thời gian qua để tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, để đi đến tận cùng của vấn đề, có được quyết định gỡ thẻ vàng từ EC, Việt Nam còn phải thực sự nỗ lực và cần triển khai một cách đồng bộ các giải pháp, thực hiện nghiêm minh việc xử phạt các tàu cá vi phạm và nhất thiết, cần phải áp dụng một mức xử phạt chung cho tất cả các tỉnh, thành về vấn đề xử lý tàu cá vi phạm, tránh sự việc đã nêu trên khi tàu cá chuyển từ nơi bị xử phạt sang nơi chỉ bị nhắc nhở, đảm bảo sự thống nhất và minh bạch, công khai trên tất cả các tỉnh, thành phố có biển.
Cũng cần thấy rằng, việc gấp rút triển khai tháo gỡ thẻ vàng là động lực tích cực để tiến hành đổi mới nghề cá của Việt Nam theo hướng tốt hơn, xây dựng một nghề cá có trách nhiệm hơn trong việc khai thác và đánh bắt hải sản, thích ứng với hội nhập quốc tế.
Cho dù đã có nhiều giải pháp được đặt ra nhưng điểm mấu chốt vẫn là ý thức thực hiện, chấp hành các chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai chống IUU của các địa phương và đặc biệt là của mỗi ngư dân, những người tham gia trực tiếp quá trình khai thác hải sản. Chỉ khi có được sự đồng thuận cao và tích cực hưởng ứng từ chính các địa phương, từ chính cơ sở các địa bàn và mỗi ngư dân thì chúng ta mới mong có được kết quả tháo gỡ được thẻ vàng.
Việc tháo gỡ thẻ vàng không nằm ở đâu xa mà ở chính trong “lòng bàn tay”, mang tên “ý thức” của mỗi chính quyền địa phương, mỗi ngư dân tham gia khai thác thủy sản. Đừng để chuyển từ thẻ vàng sang thẻ đỏ, bởi khi đấy những nỗ lực của cả hệ thống chính trị của chúng ta trong thời gian qua sẽ trở thành vô nghĩa.
Hy vọng sẽ có một kết quả tốt đẹp hơn trong thời gian tới. Chúng ta sẽ đợi!./.