Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ủy ban cố vấn của WHO họp khẩn về bệnh đậu mùa khỉ

Thứ Bảy, 21/05/2022 13:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Ngày 20/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức một cuộc họp khẩn trong nhóm cố vấn chuyên gia để thảo luận về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ gần đây.

Một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ tại CHDC Congo. (Ảnh: Reuters/TTXVN) 

Đậu mùa khỉ là bệnh do virus gây ra và thường ghi nhận phổ biến hơn ở Tây và Trung Phi nhưng trong đợt bùng phát mới đã có hơn 100 ca được ghi nhận hoặc nghi mắc tại châu Âu, Bắc Mỹ và Australia.

Giới chức y tế Đức mô tả đây là đợt bùng phát lớn nhất ở châu Âu từ trước đến nay, các ca bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở ít nhất 9 quốc gia, gồm Bỉ, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh cũng như ở Mỹ, Canada và Australia. Ngày 20/6, Tây Ban Nha ghi nhận 24 ca mới, chủ yếu ở thủ đô Madrid nơi chính quyền địa phương đã yêu cầu đóng cửa một cơ sở xông hơi có liên quan phần lớn các ca mắc. Một bệnh viện tại Israel cũng thông báo điều trị cho một bệnh nhân nam khoảng 30 tuổi, mới đến từ Tây Âu, có các triệu chứng nghi nhiễm. Kênh 12 của Israel dẫn lời Bộ Y tế nước này cho biết Israel đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus đậu mùa khỉ. Theo tin đưa, trường hợp này là một người đàn ông 30 tuổi, có triệu chứng nhẹ và đã được cách ly.

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên ở khỉ, thường lây do tiếp xúc gần và hiếm khi lây lan ra ngoài châu Phi. Chính vì vậy, việc phát hiện nhiều ca bệnh ở châu Âu và các khu vực khác đang gây lo ngại. Tuy nhiên, các nhà khoa học không cho rằng bệnh có thể bùng phát thành đại dịch như COVID-19 vì virus này không lây lan nhanh như virus SARS-CoV-2. Bệnh thường có triệu chứng nhẹ với biểu hiện đặc trưng của người bệnh là sốt và phát ban.

Thành phần cuộc họp của WHO là Nhóm cố vấn chiến lược và kỹ thuật về các mối nguy truyền nhiễm có khả năng gây đại dịch và dịch bệnh (STAG-IH), chuyên tư vấn về các nguy cơ lây nhiễm có thể gây ra mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, nhóm cố vấn này không chịu trách nhiệm quyết định liệu có nên tuyên bố đợt bùng phát dịch này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm hay không. Đây vốn là hình thức cảnh báo cao nhất của WHO, hiện đang được áp dụng cho đại dịch COVID-19. Một quan chức Mỹ nhận định hiện mức độ rủi ro của bệnh đậu mùa khỉ đối với cộng đồng đang ở mức thấp.

Chuyên gia Fabian Leendertz, từ Viện Robert Koch của Đức, cho rằng đợt bùng phát lần này giống như một đợt bùng phát bệnh đặc hữu nhưng ít có nguy cơ kéo dài, các ca bệnh có thể được phát hiện và cách ly hiệu quả thông qua truy dấu tiếp xúc và hơn nữa là có các loại thuốc điều trị và vaccine hiệu quả có thể được sử dụng nếu cần thiết. Tuy nhiên, WHO khu vực châu Âu lo ngại các ca mắc mới gia tăng trong khu vực khi người dân tụ tập và tham gia các sự kiện giải trí đông người trong mùa Hè. Hiện không có vaccine dành riêng cho bệnh đầu mùa khỉ nhưng theo WHO, các dữ liệu cho thấy vaccine phòng bệnh đậu mùa có hiệu quả bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ là 85%. Anh đã bắt đầu tiêm vaccine đậu mùa cho các nhân viên y tế và những nhóm dễ bị phơi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ./.

 

Lê Ánh/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN