Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sắc màu nghề truyền thống

Thứ Bảy, 12/10/2024 21:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - “Festival làng nghề và Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ (TCMN) cùng làng nghề huyện Thường Tín năm 2024” là sự kiện văn hóa đậm bản sắc nghệ thuật truyền thống, giúp tôn vinh những giá trị văn hóa, nghệ thuật làng nghề của Hà Nội, qua đó kết nối cộng đồng, tạo cơ hội giao thương giữa các nghệ nhân và du khách.

Từ ngày 11 – 14/10, tại tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao thông tin huyện Thường Tín, Hà Nội, diễn ra “Festival làng nghề và Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thường Tín năm 2024”. Sự kiện diễn ra từ ngày 11 -14/10/2024, do Sở Công Thương Hà Nội và UBND huyện Thường Tín phối hợp với một số đơn vị tổ chức.

Festival là hoạt động kỷ niệm 70 năm giải phóng huyện Thường Tín (28/8/1954 - 28/8/2024) và 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), dịp để giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề của huyện Thường Tín và một số tỉnh, thành.

Thông qua Festival và Triển lãm, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động thiết kế sáng tạo, phát huy những ý tưởng, thiết kế ra những mẫu sản phẩm mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật đáp ứng và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng; từ đó có thể phát triển, hình thành điểm đến về thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch.

 Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khai mạc sự kiện.
 Triển lãm là sự kiện thứ 2 trong chuỗi các sự kiện quảng bá và kết nối sản phẩm OCOP, phục vụ du lịch do Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp tổ chức. Trong ảnh:  Đại diện Ban Tổ chức, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội trao chứng nhận Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch xã Duyên Thái.
 Phát biểu tại sự kiện, ông Bùi Công Thản - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, Festival làng nghề không chỉ là dịp để tôn vinh văn hóa và nghề truyền thống, mà còn khẳng định bản sắc văn hóa của huyện, nơi có 81 làng có nghề, 50 làng đã được Thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.
  
Festival làng nghề 2024, quy tụ 60 gian hàng của nhiều đơn vị, cơ sở làng nghề tham dự trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, từ gốm sứ, thêu ren, đến mây tre đan và nhiều sản phẩm khác mang hồn quê Việt. Những nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề tài hoa sẽ trực tiếp giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm và câu chuyện thú vị về từng sản phẩm, giúp người tham dự hiểu rõ hơn về nghề truyền thống.
 Đến Festival làng nghề và Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ cùng làng nghề huyện Thường Tín năm 2024, khách thăm quan được khám phá một hành trình đầy sắc màu, nơi lan tỏa vẻ đẹp độc đáo của các sản phẩm thủ công, trải nghiệm văn hóa phong phú và góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc.
 Các sản phẩm của làng nghề giới thiệu tại Festival đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản…
 Nổi bật là các sản phẩm TCMN của huyện Thường Tín với các sản phẩm gỗ xã Vạn Điểm, Thống Nhất, Tô Hiệu…
 Sản phẩm mây tre đan xã Ninh Sở (Thường Tín).
Sản phẩm đá mỹ nghệ các làng Nhân Hiền (xã Hiền Giang), làng Định Quán (xã Tiền Phong) huyện Thường Tín. 
 Cùng đó, khách thăm quan có dịp tìm hiểu, mua sắm các sản phẩm của các làng nghề tiêu biểu khác của huyện Thường Tín như: Hoa cây cảnh xã Hồng Vân, Vân Tảo; tranh thêu tay làng Quất Động, Thắng Lợi; sản phẩm mỹ nghệ sừng làng Thụy Ứng (xã Hòa Bình); đồ gỗ làng Nhị Khê (xã Nhị Khê)...
 Festival là cầu nối giữa sản phẩm làng nghề và thị trường, đây là cơ hội để các nghệ nhân, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của mình đến đông đảo người tiêu dùng, đồng thời tìm kiếm đối tác, mở rộng kênh phân phối.
 Ngoài các hoạt động trưng bày sản phẩm, Festival còn diễn ra nhiều chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc, thể hiện nét đẹp văn hóa của huyện Thường Tín. Các tiết mục ca múa nhạc truyền thống, trò chơi dân gian mang đến không khí vui tươi, sôi động, khơi gợi lòng tự hào về di sản văn hóa quê hương.
N. Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN