Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vinh quang, mồ hôi và nước mắt!

Thứ Bảy, 12/10/2024 23:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào trong xã hội cũng vậy, để có được kết quả, thành tựu nào đó, nhất định phải có sự đam mê và đầu tư sức lực tương xứng… Nhưng với doanh nhân, để có được thành tựu, quả ngọt là không hề dễ dàng, đó là sự đánh đổi rất lớn… Đằng sau “hào quang” của doanh nhân không chỉ là những con số về doanh thu, lợi nhuận hay tài sản mà họ sở hữu… nó còn là gian truân vất vả, nhọc nhằn, mồ hôi và nước mắt!

Hình ảnh tư liệu. (Nguồn: vinasme.vn)

 Bên cạnh sự tôn vinh của xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau, giới doanh nhân còn được gọi với cái tên trừu mến “ông chủ”, hai chữ “ông chủ” thân thiện, gần gũi nhưng cũng cao sang tựa như “hào quang” của giới doanh nhân vậy!

Thiết nghĩ, chỉ nghe thấy hai tiếng “ông chủ” cũng đủ để các doanh nhân phải xác định vượt qua những áp lực không nhỏ nhằm khẳng định sự mạnh mẽ, điểm tựa vững chắc cho người lao động và doanh nghiệp của mình. Nhưng để có được những nền tảng này lại không đơn giản chút nào, giới doanh nhân không chỉ phải trải qua quá trình lao động nghiêm túc, đầy trí tuệ, đam mê nhiệt huyết, năng động, nhanh nhạy… mà còn phải có sự nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi.

Thông thường người ta chỉ thấy được vẻ hào nhoáng bề ngoài của sự giàu có, tài sản mà các doanh nhân sở hữu, sự lịch thiệp, đĩnh đạc của phong cách doanh nhân… chứ ít khi người ta thấy được những nhọc nhằn vất vả, hành trình gian nan mà các doanh nhân đã phải trải qua, đó là những khó khăn, thử thách của những ngày đầu khởi nghiệp, là quá trình xây dựng phát triển doanh nghiệp, nhất là việc cạnh tranh trên thương trường và những thách thức, tiềm ẩn rủi ro không nhỏ.

Chỉ khi thông qua những câu chuyện được kể trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta mới biết đến đội ngũ doanh nhân phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt và cái giá phải trả cho sự thành công trong kinh doanh là không rẻ. Họ phải đối diện với những giai đoạn khó khăn mà hầu như doanh nhân/ doanh nghiệp nào cũng gặp phải, đó là tình trạng thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu cơ sở vật chất, văn phòng, những chi phí phi chính thức phải trả…

Và cả những nỗi buồn vời vợi, vẻ hào nhoáng trên bàn tiệc, trên bàn đàm phán, thương thuyết, thậm chí là ăn mừng cho một kết quả thành công trong sản xuất kinh doanh nào đó cũng chưa hẳn đã làm các doanh nhân thực sự vui vẻ… bởi đâu đó vẫn còn những góc nhìn chưa mấy thiện cảm của một số người trong xã hội đối với đội ngũ doanh nhân. Không biết từ khi nào, người ta mặc định cho rằng, sự xuất hiện của doanh nhân ở đâu đó thì ở đấy dễ nảy sinh tiêu cực, chạy chọt (lobby) hoặc nghiễm nhiên trở thành nhà tài trợ, từ thiện, thậm chí là để trả tiền tiệc tùng cho ai đó… Cá biệt, không ít người có góc nhìn thiển cận khi sử dụng từ “con buôn” để gán cho doanh nhân - những người làm kinh doanh, thậm chí cho rằng, sự thành công của một bộ phận doanh nhân, doanh nghiệp, chẳng qua là do lợi dụng, tranh thủ cơ chế, chính sách, gian lận, móc nối, đi đêm, chia chác lợi ích nhóm và tiêu cực mà thành… chứ người ta chưa đánh giá cao tài năng, trí tuệ và những giá trị đóng góp cho xã hội của đội ngũ doanh nhân.

Đành rằng, thực tế cũng đã có những doanh nhân/ doanh nghiệp bị pháp luật truy cứu trách nhiệm bởi tội móc nối, câu kết để trục lợi; có những doanh nhân, doanh nghiệp lợi dụng sự tín nhiệm của người dân, của khách hàng để lừa dối, chiếm đoạt tài sản, tiền của nhà đầu tư… Bất luận lý do là gì thì những doanh nhân này đã vô tình gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của cộng đồng doanh nhân, hơn thế, họ cũng phải trả giá đắt bởi công lý và công luận.

Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đất nước rất cần những doanh nhân/ doanh nghiệp có tâm, có tầm, có tài để tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tiện ích cho cộng đồng xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết an sinh xã hội, xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là mong đợi, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước ta đối với đội ngũ doanh nhân. Đại hội Đảng XIII khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.

Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 10 khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều nhấn mạnh kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng của nền kinh tế". Đến nay, theo các báo cáo, kinh tế tư nhân đóng góp 46% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân vươn ra khu vực và thế giới.

Mặc dù mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng cho đến hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam (98%) vẫn là những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nào là chủ lực, mang giá trị cốt lõi sẽ trở thành mục tiêu chiến lược quốc gia; sản phẩm, hàng hóa nào sẽ trở thành thương hiệu quốc gia để khi nhắc đến, nói đến thì khách hàng quốc tế đều biết đó là hàng hóa của Việt Nam, do Việt Nam sản xuất - “made in Vietnam” vẫn là câu hỏi lớn đối với đội ngũ doanh nhân/ doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo/ quản lý nhà nước và toàn xã hội.

Theo đó, "tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu" là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước (ngày 21/9/2024) mới đây.

Nếu không phải là doanh nhân, chưa hẳn chúng ta đã thấu hiểu những nhọc nhằn vất vả mà các doanh nhân Việt Nam phải đối diện, phải chèo lái, dẫn dắt các hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp của mình vượt qua thách thức, gia tăng khả năng cạnh tranh và đứng vững trên thị trường, thích ứng nhanh chóng để phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và vươn lên mạnh mẽ như mong đợi, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước ta.

Giới doanh nhân thực sự xứng đáng được xã hội tôn vinh, ghi nhận những đóng to lớn cho xã hội. Không chỉ tập trung sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho một lực lượng đông đảo lao động trong xã hội, đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước những khoản thuế, phí, lệ phí. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nhân/ doanh nghiệp còn coi việc thực hiện an sinh xã hội là một phần văn hóa doanh nghiệp, họ có mặt ở hầu hết các hoạt động xã hội theo kêu gọi của các tổ chức, đoàn thể. Mặc dù có những giai đoạn, thời điểm, tình hình sản xuất, kinh doanh không mấy thuận lợi, nhưng hầu hết các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội bằng những việc làm cụ thể: Hưởng hứng kêu gọi của UBTWMTTQ Việt Nam và các đoàn thể, tham gia chăm lo các đối tượng chính sách, hỗ trợ người nghèo, nhất là khi khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh... Cộng đồng doanh nhân/ doanh nghiệp luôn đi đầu đóng góp, ủng hộ, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất…

Không chỉ ngày nay, Đảng, Nhà nước ta mới tôn vinh, cũng như xác lập vai trò, vị thế, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước. Ngay từ rất sớm, sau khi đất nước ta giành được độc lập, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương, Người đã dùng những ngôn từ hết sức trân trọng: “Cùng các ngài trong giới Công – Thương”…, với chỉ một từ “ngài” đã đủ cho thấy sự coi trọng của Bác Hồ đối với giới công thương, chưa nói đến những căn dặn, chỉ dạy, mong đợi, kỳ vọng, khích lệ, động viên…

Thật vinh dự, tự hào cho giới doanh nhân Việt Nam đã được Bác Hồ truyền cảm hứng, được Đảng, Nhà nước ta lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn của các doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Như một mảnh ghép trong bức tranh muôn màu của cuộc sống, ngành nghề nào cũng đáng trân quý, đội ngũ doanh nhân có quyền tự hào về mảnh ghép của mình đã góp phần tạo thêm những giá trị về vật chất, tinh thần, sản phẩm, dịch vụ - những tiện ích cho cộng đồng xã hội. Vinh dự, tự hào là thế, nhưng đằng sau hào quang của doanh nhân không chỉ là những con số về doanh thu, lợi nhuận, trách nhiệm xã hội, hay tài sản mà họ sở hữu… nó còn là gian truân vất vả, nhọc nhằn, mồ hôi và nước mắt!

Khắc Trường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN