Ưu tiên vaccine cho doanh nghiệp đang duy trì sản xuất
(ĐCSVN) - Sự bùng phát với diễn biến phức tạp của làn sóng COVID-19 lần thứ tư đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh khó khăn này, hiện vaccine được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì sản xuất, kinh doanh.
Tốc độ tiêm vaccine sẽ quyết định tốc độ “đứng dậy” của nền kinh tế (Ảnh: T.H) |
Theo số liệu vừa được Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, có tới 85.500 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Con số này tăng tăng 24,2% so cùng kỳ năm 2020.
Rõ ràng, sự bùng phát của làn sóng COVID-19 lần thứ tư, cùng với các đợt giãn cách xã hội liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Sự ảnh hưởng này còn mạnh hơn nữa ở các địa phương phía Nam. Trong tám tháng qua, riêng TP Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp, chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 6,6%. Những con số này đã cho thấy, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề thế nào ở đợt dịch COVID-19.
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Chính phủ, các doanh nghiệp có thể tạm ngừng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể tạm dừng hoạt động quá lâu, bởi khi đó đơn hàng sẽ bị chuyển đi quốc gia khác và doanh nghiệp đó sẽ bị tuột ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, cần có nhiều giải pháp để doanh nghiệp vừa có thể sản xuất mà vẫn phòng, chống được dịch bệnh.
Thực tế cho thấy, việc các địa phương đang trong vùng giãn cách xã hội có các giải pháp linh hoạt để doanh nghiệp vừa sản xuất vừa chống dịch là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì được đơn hàng, tránh tình trạng đóng cửa để rồi vĩnh viễn ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Và trong bối cảnh hiện nay, bằng tất cả sự nỗ lực và thực lực hiện có, Chính phủ và chính quyền các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam luôn nhất quán quan điểm tiếp tục ưu tiên phân bổ vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người lao động đang làm việc ở những doanh nghiệp đang triển khai phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” ở trong và ngoài khu công nghiệp.
Đơn cử tại Đồng Nai, đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 680 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp được phân bổ vaccine để tiêm phòng cho người lao động đang làm việc trong các nhà máy. Trong khu công nghiệp, có 662/1.628 doanh nghiệp thuộc danh sách tiêm chủng và số lượng người lao động được tiêm vaccine là hơn 160.000 người, chiếm tỷ lệ gần 33,5%, trong đó, 6 doanh nghiệp có trên 1.000 lao động được tiêm phòng 100%. Ngoài khu công nghiệp, có hơn 100 doanh nghiệp được phân bổ gần 15.300 liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho người lao động…
Để duy trì sản xuất và đáp ứng các đơn hàng, kể từ ngày 2/6, Goertek - nhà cung ứng thiết bị và linh kiện điện tử cho các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới - đã triển khai phương án “3 tại chỗ”. Đại diện của Goertek cho hay, công ty này đã bố trí khu vực lưu trú sinh hoạt cho hơn 4.000 công nhân viên trong khuôn viên nhà máy tại Bắc Ninh để bảo đảm vừa sản xuất, vừa phòng dịch. Tính đến cuối tháng 7/2021, qua 3 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19, Goertek Việt Nam đã có hơn 4.000 công nhân viên được tiêm chủng, mới đạt khoảng 15% tổng số lao động của Công ty.
“Mong muốn của chúng tôi là được Chính phủ Việt Nam, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ để 100% người lao động của doanh nghiệp có nguyện vọng tiêm đều có thể tiêm đủ hai liều vaccine”, đại diện Goertek bày tỏ.
Mức độ sẵn sàng của vaccine cũng đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Theo kết quả khảo sát gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), các doanh nghiệp này liên tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tăng tốc hơn nữa chiến lược tiêm vaccine.
Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham, hơn 90% doanh nghiệp thành viên của AmCham cho biết, đợt bùng phát dịch lần này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam. Những thách thức lớn nhất nằm ở việc thiếu vaccine để bảo vệ họ và người lao động, cũng như đáp ứng các yêu cầu về điều kiện và thủ tục để đưa những nhân sự quan trọng đến Việt Nam làm việc.
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà mới đây, 90 CEO của các nhãn hàng hàng đầu Hoa Kỳ như: Adidas, Coach, Gap, Nike... đã cùng ký vào một bức thư chung kiến nghị Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tăng tốc viện trợ vaccine cho Việt Nam. Đây là thông tin rất tích cực thể hiện trách nhiệm của nhãn hàng quốc tế với các doanh nghiệp Việt Nam - vốn là một phần trong mắt xích chuỗi sản xuất của các tập đoàn trên. Nhưng mặt khác, điều này cũng thể hiện những nỗi lo, sốt ruột từ phía các tập đoàn đa quốc gia về nguy cơ đơn hàng và chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong các tháng cuối năm. Nhất là khi vaccine chưa về kịp, việc giãn cách gây ảnh hưởng trầm trọng tới việc quay trở lại sản xuất, trong khi việc thực hiện “3 tại chỗ” là không khả thi đối với các doanh nghiệp sử dụng số lượng công nhân lớn.
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ Công ty Donacoop nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer.
Xét kiến nghị trên, với tinh thần quyết liệt thực hiện Chiến lược vaccine, tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc để có thể đạt mục tiêu đến đầu năm 2022 tiêm chủng cho 70% dân số, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Y tế quán triệt và thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vaccine phòng COVID-19.
Quan điểm này đã được Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định rõ ràng tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo với 1.060 xã, phường, thị trấn, 209 quận, huyện, thị xã của 20 tỉnh, thành phố trên cả nước mới đây.
Không chỉ vậy, sau khi phân tích diễn biến, tình hình dịch bệnh trên thế giới, ngay cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế lớn vẫn bị động và quá tải về hệ thống y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh, phải nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên. Các địa phương đủ điều kiện duy trì hoạt động sản xuất theo tinh thần “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Thực tế minh chứng, điều đầu tiên và quan trọng nhất hiện nay là phải đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam. Chúng ta càng tiêm phòng cho mọi người sớm bao nhiêu, thì càng có thể sớm trở lại hoạt động kinh doanh và cuộc sống bình thường bấy nhiêu. Chính vì vậy, giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào các doanh nghiệp hiện nay là phải có đủ lượng vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, cần ưu tiên vaccine cho doanh nghiệp sản xuất – một trong những điểm chốt quan trọng, tuyến đầu trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Nếu việc này chậm trễ, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong nhiều doanh nghiệp sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp.
Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… trong chuỗi giá trị toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn trên thế giới sẽ tìm kiếm sự bù dắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ các quốc gia khác thay cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài.
Và lúc này, tốc độ tiêm vaccine sẽ quyết định tốc độ “đứng dậy” của nền kinh tế, quyết định tốc độ “nối mạch” Việt Nam với thế giới và tốc độ đưa thế giới vào Việt Nam. Chỉ khi doanh nghiệp trụ vững thì nền kinh tế mới thật sự có thể đứng vững bằng thực lực, vững vàng cùng với thế giới mở lối đi ngang tâm dịch.
Do đó, Chính phủ nên huy động cả khu vực tư nhân, bao gồm các bệnh viện và phòng khám tư nhân, các công ty dược phẩm, thiết bị y tế, các tổ chức, doanh nghiệp có quan hệ và năng lực nhập khẩu vaccine chung sức, chung lòng thực hiện tốt nhất những định hướng mà Chiến lược vaccine quốc gia đã đề ra để bảo đảm mọi người dân, đặc biệt là người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất được tiêm phòng trong thời gian sớm nhất có thể./.