Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân tại các nhà máy chế biến nông sản thực hiện “3 tại chỗ”

Thứ Sáu, 06/08/2021 12:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Triển khai theo phương châm “3 tại chỗ”, nhiều nhà máy, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản đã gặp nhiều khó khăn khi phải gánh chi phí quá lớn. Chính vì vậy, chỉ có giải pháp tiêm vắc xin phòng ngừa cho công nhân lao động tại các cơ sở sản xuất này mới mong giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, đồng thời, tạo thêm “sức mạnh” cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất, đảm bảo các nguồn cung về lâu dài cho trong nước và xuất khẩu.

 Ảnh minh họa (Nguồn: TL)

Phản ánh từ Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua kiểm tra thực tế tại một số doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam, nhận thấy các doanh nghiệp rất cố gắng trong duy trì sản xuất, tổ chức tốt “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ). Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến nông sản và thủy sản không đáp ứng được các điều kiện vì chi phí quá lớn trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh dẫn đến phải dừng hoạt động. Thực tế, qua khảo sát một số nhà máy, lượng công nhân duy trì sản xuất đông nhưng mới chỉ tiêm vắc xin khoảng 30-40% dẫn đến khi có ca nhiễm, nhà máy phải đóng cửa, tổn thất rất lớn.

Không chỉ vậy, mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT để nêu lên những khó khăn của các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong thực hiện “3 tại chỗ”. Trong công văn nêu rõ, thực trạng hiện nay, chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh, thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”. Các doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện 3 tại chỗ đã phải ngừng sản xuất dẫn đến một số hệ lụy như: nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, mất khách hàng, rủi ro không huy động được công nhân sau giãn cách. Với những nhà máy thực hiện được thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Và công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%.

Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất thì các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn về chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí trang thiết bị các điều kiện cho công nhân ăn – ngủ - làm việc tại nhà máy (tăng 50-100%), chi phí trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy (tăng 30-50%), trả lương và chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc, chi phí bao bì, vật tư, bột phụ liệu tăng cao,…dẫn đến chi phí chung cho sản xuất tăng rất cao, trong khi hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm.

Qua thực tế triển khai, Hiệp hội và các doanh nghiệp thấy rằng, việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa; các doanh nghiệp lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần do doanh nghiệp phải gồng gánh quá nhiều các khoản chi phí để đảm bảo chuỗi sản xuất, thực hiện các quy định chống dịch tại nhà máy.

Thực tế tại một số địa phương như tỉnh Tiền Giang, việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đã phát sinh nhiều ổ dịch. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã quyết định cho tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8 cho đến khi có thông báo mới. Với quyết định này, tuy đang hướng đến các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” đang phát sinh ca bệnh nhưng cũng đã đã gây không ít bất cập đối với những doanh nghiệp đang thực hiện tốt “3 tại chỗ” tại tỉnh. Trong khi đó, bản thân doanh nghiệp đang bỏ ra một lượng kinh phí rất lớn để phục vụ cho duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, và nếu phải dừng hoạt động, thiệt hại cho doanh nghiệp là rất lớn trên nhiều mặt khác nhau.

Qua thực tế hiện nay với nhiều bất cập trong thực hiện “3 tại chỗ”, việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân lao động sản xuất trực tiếp trong các nhà máy, doanh nghiệp chế biến nông sản là đề xuất đang được ngành nông nghiệp và các hiệp hội quan tâm. Với mục tiêu vừa chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì sản xuất, VASEP đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Theo đó, sau những người làm tại các cơ sở y tế và những cán bộ liên quan phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền thì thứ tự tiếp theo là những người lao động, trong đó, đặc biệt ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại các địa phương.

“Với việc ưu tiên và tập trung tiêm ngay vắc xin cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, chúng ta sẽ vừa giữ được thị trường đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, bao gồm cả nông – ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở phía trước” – VASEP nhấn mạnh đến vai trò của việc ưu tiên tiêm vắc xin.

Bên cạnh đó, Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương 19 tỉnh, thành phía Nam ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 100% lượng công nhân các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đang thực hiện “3 tại chỗ” và các cơ sở sản xuất liên kết với nhà máy thực hiện theo chuỗi giá trị, trực tiếp sản xuất. Bởi đây chính là lực lượng lao động trực tiếp đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm lâu dài.

Thực tế trong thời gian vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp đã phải đầu tư chi phí lớn để thực hiện “3 tại chỗ” trong sản xuất. Tuy nhiên, nếu chỉ cần có ca lây nhiễm trong sản xuất của doanh nghiệp thì bao nhiêu công sức cố gắng của doanh nghiệp trong duy trì sản xuất sẽ trở nên vô nghĩa, và chắc chắn thiệt hại sẽ rất rất nhiều cho cả ngắn hạn và về lâu dài cho doanh nghiệp sản xuất. Chính vì vậy, việc đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho các công nhân các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đang thực hiện “3 tại chỗ” và các cơ sở sản xuất liên kết với nhà máy thực hiện theo chuỗi giá trị là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện nay cùng với 5K để góp phần giúp các doanh nghiệp “trụ vững” được giữa cơn bão mang tên “dịch COVID-19”. Chỉ có giải pháp này mới giúp cho doanh nghiệp duy trì được sản xuất, kinh doanh, tránh tổn thất về kinh tế và lâu dài hơn, giúp đảm bảo nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, nếu triển khai tốt được công tác này còn giúp cho hàng nghìn, hàng triệu lao động tham gia sản xuất trong các nhà máy, doanh nghiệp giữ vững được việc làm, ổn định thu nhập, từ đó, tránh được việc phát sinh nhiều hệ lụy liên quan, đảm bảo an sinh xã hội.

Dẫu biết hiện nay, nước ta đang còn gặp nhiều khó khăn khi đang từng bước tiếp cận với nguồn vắc xin phòng COVID-19 nhưng việc ưu tiên tiêm phòng vắc xin cho lực lượng công nhân lao động đang làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản là công tác cần được chú ý và triển khai ngay khi có thể, để đồng hành, tạo thêm “sức mạnh”  cho các nhà máy, doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất nông sản, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và cho cả mục đích xuất khẩu, hiện thực hóa “mục tiêu kép” như Chính phủ đã đề ra./.

 

 

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN