Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tuyên Quang: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN

Thứ Hai, 28/08/2023 20:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Xác định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết, tỉnh Tuyên Quang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Tuyên Quang. (Ảnh: CTV)

Ý nghĩa thiết thực của chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của người dân. Nguồn lực của Chương trình được phân bổ đã tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện mục tiêu từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước.

Theo đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc, với 121 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 46 xã, 570 thôn đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm trên 56,76% nên các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần thiết.

Chính vì vậy, ngay sau khi Trung ương triển khai Chương trình, năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã thành lập Ban Chỉ đạo, tập trung lãnh đạo, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, chú trọng lồng ghép với các chương trình, dự án khác, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Năm 2023, sau khi ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình năm nay; UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao ban hành các kế hoạch triển khai nội dung của từng dự án, tiểu dự án, trong đó tập trung xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai Chương trình. Thêm vào đó, tiếp tục chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh khẩn trương tham mưu, thể chế các văn bản quy định, hướng dẫn của tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình. Đến nay, cơ bản hoàn thành 29/29 nhiệm vụ về xây dựng các văn bản triển khai thực hiện có liên quan…

Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 09/9/2022 của UBND tỉnh về truyền thông thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cơ quan Thường trực Chương trình đã chủ động tổ chức các hội nghị tập huấn, quán triệt, triển khai Chương trình cho cán bộ, công chức cấp huyện; Chủ tịch, công chức chuyên môn cấp xã và đại diện trưởng thôn, người có uy tín các xã thuộc phạm vi thực hiện của Chương trình; đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh; trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động để đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng được thụ hưởng Chương trình hiểu rõ nội dung của từng chính sách, nắm bắt cơ hội, phát huy tinh thần chủ động, ý chí tự lập để vươn lên trong cuộc sống, thúc đẩy việc kết nối và giảm dần khoảng cách về điều kiện sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với vùng phát triển. Cung cấp thông tin, truyền thông rộng rãi, thường xuyên, kịp thời để các cấp, các ngành, các cơ quan, địa phương, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở hiểu rõ trách nhiệm của tổ chức mình trong công tác chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của tỉnh góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình.

Các sở, ngành cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đã ban hành các kế hoạch kiểm tra kết quả thực hiện tổng thể Chương trình và theo từng dự án; trong đó tập trung thực hiện kiểm tra, đánh giá về công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình; những khó khăn, vướng mắc; kiểm tra công tác phân bổ, giải ngân nguồn vốn…

Nhờ sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong triển khai thực hiện Chương trình cùng với nỗ lực, cố gắng của các cơ quan được giao nhiệm vụ và sự tham gia tích cực cộng đồng, người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Số xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm dần. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã được xây dựng đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng. Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Việc triển khai Chương trình đảm bảo dân chủ, công khai, đúng định mức và đối tượng thụ hưởng. Kịp thời tham mưu ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn, triển khai Chương trình; có sự phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các thành viên Ban Chỉ đạo. Công tác lập, thẩm định, phân bổ nguồn vốn kịp thời, đúng quy định; tuân thủ nghiêm túc tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ vốn. Tập trung ưu tiên nguồn lực cho các địa bàn khó khăn nhất, vào những nội dung cấp thiết nhất. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình được quan tâm chỉ đạo thực hiện…

 Lớp dệt thổ cẩm được duy trì thường xuyên như một sản phẩm du lịch của cộng đồng người Pà Thẻn ở Lâm Bình, Tuyên Quang. (Ảnh: N.Sương)

Tiến độ giải ngân nguồn vốn còn chậm

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực đạt được kết quả đáng ghi nhận song đây là Chương trình mới, quy mô lớn với nhiều nội dung dự án thành phần, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và tác động sâu rộng trong thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều nội dung mới; văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, đồng bộ; bộ máy quản lý, triển khai Chương trình ở cơ sở chưa có kinh nghiệm, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu…

Bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ giải ngân nguồn vốn trên địa bàn toàn tỉnh còn chậm. Đến ngày 30/6 vừa qua, giải ngân nguồn vốn của năm 2022 và 2023 mới đạt trên 17,7%. Việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn có lúc, có nội dung chưa kịp thời.

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án ở cơ sở có nội dung còn lúng túng. Một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự chú trọng, quan tâm, chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả…

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia ngày 5/4 vừa qua, đồng chí Chẩu Văn Lâm từng nhấn mạnh, mấu chốt trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải từ chính mỗi đơn vị, địa phương, người đứng đầu, cần thay đổi và quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo điều hành. Giải ngân chậm đồng nghĩa với việc không phát huy được hiệu quả nguồn vốn.

Tập trung quyết liệt triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN

Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang xác định cần nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chương trình.

Tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử của tỉnh, ngành, địa phương, tại các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong việc tham gia tổ chức thực hiện các dự án, chính sách để đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Kế hoạch.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chú trọng phát triển đối với xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã khu vực I, khu vực II và xã khu vực III; các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với 10 Dự án thành phần. Tăng cường thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng, nhà ở, nước sạch, điện, giáo dục, y tế, giúp nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, tạo điều kiện kết nối giữa các vùng, giữa các khu vực kinh tế, giúp cho việc tiếp cận với các nguồn lực, vật tư, thiết bị sản xuất, tiêu dùng cũng như dịch vụ hỗ trợ đa dạng hơn, giúp tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ địa phương, giáo viên, y tế tại khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Triển khai nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến Chương trình cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương mới được ban hành liên quan đến Chương trình. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đanh giá việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triern kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, theo đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, những tháng cuối năm 2023, Ban Dân tộc tiếp tục làm tốt công tác phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện cho cán bộ công chức cơ quan làm công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Tiếp tục chủ động tham mưu với UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước giao năm 2022, 2023 đối với các nội dung của từng dự án. Trong đó, tập trung thực hiện giải ngân đối với các dự án, tiểu dự án không còn vướng mắc về cơ chế, đồng thời thực hiện rà soát đối với các nội dung khó có khả năng giải ngân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh kịp thời kế hoạch thực hiện và các công tác khác./.

Nhật Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN