Cà Mau: Đủ cơ sở để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG
(ĐCSVN) - Theo đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau, tuy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn có đủ cơ sở để quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân hoàn thành kế hoạch vốn được giao nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra đến hết năm 2023.
Nằm ở cực Nam của Tổ quốc, tỉnh Cà Mau có khoảng 1,2 triệu người, gồm 33 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 32 dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số có trên 12 nghìn hộ, gần 48 nghìn người; đông nhất là dân tộc Khmer, gần 10.000 hộ, khoảng 39 nghìn người, tiếp đến là dân tộc Hoa với gần 1.600 hộ, khoảng 7.000 người; các dân tộc thiểu số khác có 432 hộ, gần 2.000 người.
Đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, với trên 9.000 hộ, chiếm 76% tổng số hộ dân tộc thiểu số của tỉnh; phần lớn tập trung tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cà Mau còn 5 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn nằm ngoài xã khu vực III.
Chỉ tiêu tổng thể được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 (Chương trình) đối với tỉnh Cà Mau là: “Giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm trên 2%; đến năm 2025, có ít nhất 40% số xã (tương đương 2 xã) và 51,2% số khóm, ấp (tương đương 22 khóm, ấp) ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn”.
Những mô hình trồng rau màu, nuôi cá nước ngọt giúp người dân ấp Xóm Dừa, xã Quách Phẩm Bắc - xã đặc biệt khó khăn của huyện Đầm Dơi phát triển kinh tế (Ảnh: CTV) |
Để thực hiện được các chỉ tiêu tổng thể này, ngân sách nhà nước bố trí cho tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là gần 261 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ gần 232 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách tỉnh đối ứng (khoảng trên 10%).
Lượng vốn đã bố trí để thực hiện Chương trình đến năm 2023 là gần 129 tỷ đồng, chiếm 49,46% kế hoạch vốn của cả giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau, kết quả triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tương đối khả quan. Tỉnh đã giải ngân cơ bản kế hoạch vốn chuyển tiếp của năm 2022 và hoàn thành công tác chuẩn bị đối với nhiệm vụ thực hiện Chương trình năm 2023.
Tuy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn có đủ cơ sở để các ngành, địa phương trong tỉnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân hoàn thành kế hoạch vốn được giao nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình đã đề ra đến hết năm 2023 theo các kế hoạch 5 năm và hàng năm của tỉnh.
Cầu Khánh Lâm ở xã đặc biệt khó khăn Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau (Ảnh minh họa) |
Hiện nay, qua thực tế triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh Cà Mau xác định các dự án, nội dung: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là có tác động trực tiếp, mạnh nhất đến đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, có những nội dung đang được quy định trong Chương trình, trong Thông tư hướng dẫn của Uỷ ban Dân tộc và các văn bản pháp lý có liên quan còn một số vướng mắc, khiến địa phương khó thực hiện.
Chẳng hạn đối với nội dung số 01, Tiểu dự án 2 của Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, theo quy định của Chương trình, đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số. Song qua rà soát tại các địa phương thụ hưởng Chương trình thì không có doanh nghiệp, hợp tác xã nào đáp ứng đủ điều kiện trên.
Hay như đối với Tiểu dự án 1 của Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nội dung chính sách đang được tỉnh triển khai thực hiện khá tốt, mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy vậy, Cà Mau nói riêng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung là vùng đất phù sa bồi lắng, nền đất yếu, địa hình phức tạp do sông ngòi chằng chịt, điều kiện đi lại và giao thương rất khó khăn, suất đầu tư nói chung cao hơn nhiều so với các khu vực khác của cả nước.
Hơn nữa, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh là địa bàn thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, triều cường, nguy cơ sạt lở bờ sông cao… nhưng kế hoạch vốn đầu tư trung hạn được Trung ương phân bổ cho tỉnh chỉ có gần 161 tỷ đồng và cũng phải để thực hiện các dự án khác thuộc Chương trình, nên trên thực tế, phần vốn dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm không quá lớn, trung bình chỉ khoảng 20 tỷ đồng/năm.
Vì thế, số lượng công trình hạ tầng, giao thông được đầu tư hàng năm ở xã, khóm, ấp khu vực III không nhiều, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế của địa phương. Trên thực tế, thời gian qua, tỉnh cũng chỉ cơ bản hỗ trợ đầu tư được một số công trình cấp thiết nhất phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng.
Trước những khó khăn, vướng mắc này, trong các năm tiếp theo thực hiện Chương trình của giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Cà Mau kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung, điều chỉnh cơ chế riêng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng không quy định tỷ lệ % trong tổng số lao động là người dân tộc thiểu số làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, hoặc giảm tỷ lệ này xuống còn 30% thay vì quy định 70% như hiện nay để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động ở vùng đặc biệt khó khăn được tham gia vào chuỗi giá trị.
Theo quan điểm của tỉnh, đây cũng là một cách tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào đầu tư trên địa bàn xã, khóm, ấp đặc biệt khó khăn. Từ đó tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động, trong đó có lao động dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Riêng đối với đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế ưu tiên về định mức hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với định mức chung của Chương trình nhằm phù hợp hơn với suất đầu tư thực tế của vùng.
Việc này nhằm giúp các tỉnh có thêm nguồn lực hỗ trợ đầu tư được nhiều công trình tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, góp phần hỗ trợ chính quyền, nhân dân và đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao khả năng ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu./.