Hà Nội chăm lo phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
(ĐCSVN) - Thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội dự kiến đầu tư trên 2.144 tỷ đồng nhằm phấn đấu đưa mức sống và thu nhập của đồng bào ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành.
Ông Bùi Văn Sâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai cho biết, xã có 10 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm gần 80%.
Từ khi sáp nhập vào Thành phố theo chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, tình hình kinh tế - xã hội của xã Đông Xuân đã đạt được những thành tựu to lớn.
Nếu năm 2008, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ước đạt 6 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo là 33 hộ chiếm 3,1% thì đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 61,5 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo toàn xã chỉ còn 02 hộ, chiếm tỷ lệ 0,13%.
Năm 2008, xã chưa có trường đạt chuẩn quốc gia; năm 2023, đã có 02 trường đạt chuẩn quốc gia; 90% diện tích lúa nước được tưới bằng hệ thống thủy lợi; 100% số thôn đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; trên 95% đường liên thôn, đường trục chính của thôn, đường ngõ xóm đã được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia. Hệ thống nước sạch Sông Đà được đầu tư đến trung tâm xã... Năm 2016, xã được công nhận là đạt chuẩn nông thôn mới...
Những đổi thay ở xã Đông Xuân là ví dụ sinh động thể hiện kết quả của sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) của Thủ đô.
Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, đặc biệt là Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 04/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc với 13 nhóm chính sách và công tác quản lý nhà nước về dân tộc đã tạo khung khổ pháp luật để thống nhất nhận thức và hành động trong công tác dân tộc trên toàn Thành phố.
Kinh tế khá giả nhờ phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước và của Thành phố Hà Nội, gia đình chị Bùi Thị Sen, dân tộc Mường ở thôn Bài, xã Yên Bài, huyện Ba Vì đã có điều kiện xây căn nhà mới trị giá một tỷ đồng |
Trong đó, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị.
Thành phố đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, các chính sách dân tộc của Trung ương để chỉ đạo, triển khai thực hiện linh hoạt phù hợp trên địa bàn, nhằm mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN Thủ đô theo hướng bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý, nhằm triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn Thành phố đảm bảo đồng bộ, thiết thực và hiệu quả.
Ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Dân tộc Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã bố trí 1.255 tỷ đồng (89 dự án) đầu tư cho vùng DTTS.
Kết quả triển khai thực hiện các dự án đầu tư là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 12% (vượt chỉ tiêu); Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm còn 0,96% (vượt chỉ tiêu); 100% đường giao thông đến trụ sở các xã được cứng hóa (đạt chỉ tiêu); đến năm 2018, không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn (vượt chỉ tiêu trước 1 năm).
Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người các xã vùng DTTS&MN Thành phố đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư, nâng cấp; 100% số xã đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; 100% dân số được dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh; 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% số xã có đài truyền thanh và phủ sóng điện thoại di động và sóng truyền hình… 13/13 xã vùng đồng bào DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ năm 2018, Hà Nội không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, nâng cao |
Giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội là địa phương tự đầu tư bằng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
Căn cứ các Nghị quyết số 88 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII; Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND Thành phố về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11/11/2021 về thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, với tổng mức vốn đầu tư dự kiến theo kế hoạch là hơn 2.144,5 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.647,7 tỷ đồng (cho 125 dự án); vốn sự nghiệp là hơn 496,8 tỷ đồng (gồm 9 nội dung).
Đến nay, Thành phố đã bố trí hơn 1.106,3 tỷ đồng, trong đó: 974,2 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản; 132,1 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp.
Đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, UBND các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức đã tập trung, khẩn trương triển khai thực hiện và đã có 40 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, 27 dự án đã hoàn thành chuẩn bị bàn giao và 14 dự án đang thi công, đề nghị chuyển tiếp và 08 dự mới được phân bổ kinh phí đang thực hiện các bước triển khai.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, các sở, ban, ngành Thành phố thực hiện các nội dung trong kế hoạch với số vốn năm 2022 là gần 8,5 tỷ đồng, để tổ chức Hội nghị tuyên truyền về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN; mua sắm trang thiết bị y tế cho các huyện vùng DTTS&MN…
Năm 2023, Thành phố tiếp tục giao hơn 123,6 tỷ đồng, trong đó: Ban Dân tộc gần 17,8 tỷ đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ 1,2 tỷ đồng; Sở Y tế gần 4,3 tỷ đồng; Sở Du lịch: 500 triệu đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 100 tỷ đồng để thực hiện các nội dung trong kế hoạch đã đề ra.
Thủ đô Hà Nội phấn đấu đưa mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc Hà Nội cho biết thêm./.