Từng bước hình thành "văn hóa bảo hiểm xã hội"
(ĐCSVN) - "Văn hóa bảo hiểm xã hội" hay nói cách khác là hệ giá trị về an sinh xã hội trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) khi đã hình thành sẽ có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và sự lựa chọn trong hành động của con người, tổ chức, cộng đồng xã hội.
Đây là quan điểm của ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khi chia sẻ với phóng viên. Ông cũng cho rằng văn hóa an sinh, văn hóa bảo hiểm xã hội sẽ là một hệ giá trị ngày càng đóng vai trò quan trọng, mang tính trị phổ quát, chuẩn mực hành động cho người dân, người lao động, doanh nghiệp lựa chọn, thực hiện trong quá trình tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững của đất nước.
Ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội |
Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, có nhiều ý kiến đề cập đến văn hóa con người, trong đó có văn hóa BHXH. Vậy trong lĩnh vực an sinh, vấn đề văn hóa BHXH nên được hiểu thế nào?
Ông Lâm Văn Đoan: Các nhà nghiên cứu đã nói rằng, văn hoá là hệ giá trị chính thống của một xã hội. Vì vậy, trong quá trình hình thành và phát triển của mỗi quốc gia, ở mỗi vùng miền, từng tộc người, từng cơ quan, tổ chức đều hình thành nên những giá trị văn hóa để tạo ra sự thống nhất về nhận thức và định hướng hành vi cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Trong lĩnh vực an sinh xã hội, mục tiêu lâu dài là phổ cập an sinh xã hội toàn dân mà trụ cột là bảo hiểm xã hội toàn dân, bảo hiểm y tế toàn dân. Bảo hiểm xã hội là một thiết chế an sinh, một giá trị phổ quát của nhân loại đã xác lập được trên con đường công nghiệp hoá, sự phát triển của kinh tế thị trường nhằm để bảo vệ người dân, người lao động phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục những rủi ro trong cuộc sống. Trong truyền thống, chúng ta cũng có giá trị về tự an sinh của người dân, an sinh của làng xã, của nhà nước, song nó không/chưa đủ bao trùm, toàn diện đáp ứng những nhu cầu an sinh, bảo vệ cho con người trước các cú sốc, rủi ro gặp phải.
Do đó, tôi cho rằng một mặt, chúng ta vẫn cần kế thừa và phát huy truyền thống an sinh trong lịch sử dân tộc. Song để hình thành một “Văn hoá BHXH” hiện đại phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế là một quá trình lâu dài, liên tục hoàn thiện, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và sự tham gia của cả hệ thống chính trị và từng người dân. Văn hóa BHXH hay nói cách khác là hệ giá trị về an sinh xã hội trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT khi đã hình thành sẽ có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và sự lựa chọn trong hành động của con người, tổ chức, cộng đồng xã hội. Các giá trị về an sinh của từng cá nhân, nhóm xã hội, cơ quan, tổ chức, tộc người, cộng đồng trong xã hội sẽ tạo thành một hệ giá trị về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội. Nhà nước đóng vai trò trung tâm trong việc thiết kế, vận hành các thiết chế bảo hiểm xã hội trong từng giai đoạn lịch sử.
Phóng viên: Theo ông, chúng ta cần làm gì để hình thành được “văn hóa BHXH”?
Ông Lâm Văn Đoan: Trong giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đang tiến tới thực hiện mục tiêu “phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững”. Để thực hiện được mục tiêu tổng quát này, “văn hóa tổ chức” của Ngành cũng cần được xây dựng, hoàn thiện gắn với mục tiêu phục vụ nhân dân, bảo đảm ngày càng tốt hơn nhu cầu an sinh xã hội của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao. Tiếp đến là sự tham gia của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng với tính chất là các tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người tham gia BHXH; vận động người dân, người lao động tham gia đóng BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về BHXH.
Cuối cùng là vai trò trung tâm của từng người dân, người lao động phải có hiểu biết, kiến thức về việc “tự an sinh” cho bản thân để phòng ngừa, giảm thiểu, hạn chế các rủi ro trong cuộc sống gặp phải thông qua vào việc tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHTN, BHYT; vai trò tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đóng, hưởng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động để bảo đảm an sinh.
Chúng ta tin tưởng rằng, văn hóa an sinh, văn hóa bảo hiểm xã hội sẽ là một hệ giá trị ngày càng đóng vai trò quan trọng, mang tính trị phổ quát, chuẩn mực hành động cho người dân, người lao động, doanh nghiệp lựa chọn, thực hiện trong quá trình tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững của đất nước.
Phóng viên: Một trong những thành tựu đáng ghi nhận của ngành BHXH Việt Nam là xây dựng nền tảng và có những bước chuyển đổi cả về chất và lượng để thực hiện chuyển đổi số. Theo ông, các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam có giúp gia tăng trách nhiệm, tinh thần phục vụ của mỗi cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ của mình?
Ông Lâm Văn Đoan: Ngành BHXH là một trong những cơ quan tiên phong đạt được thành tựu vượt bậc trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia, góp phần bảo đảm quyền an sinh của người dân; sự công khai, minh bạch trong việc thực hiện các chính sách; kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách và tăng cường sự giám sát của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với việc thực thi chính sách an sinh xã hội.
Ảnh minh họa |
Công tác chuyển đổi số của BHXH Việt Nam được triển khai từ rất sớm, tốc độ nhanh do sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để Ngành có thể tập trung đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước tiến tới thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, bao trùm, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Hiện nay, về cơ bản, tất cả các thủ tục hành chính của Ngành BHXH Việt Nam đều được thực hiện trên không gian số. Điều này không chỉ tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT mà quan trọng là giúp cho doanh nghiệp, người lao động dễ dàng tự theo dõi, tự kiểm tra, giám sát tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chế độ chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tiêu cực, trục lợi trong lĩnh vực này, gia tăng trách nhiệm, tinh thần phục vụ của mỗi cán bộ trong ngành khi thực hiện nhiệm vụ. Có thể thấy rằng, kết quả này đã tác động trực tiếp, xuyên suốt hướng tới mục tiêu chung của Ngành là phục vụ ngày càng tốt hơn doanh nghiệp, người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHTN, BHYT./.