Tục dâng cúng tổ tiên của người Lô Lô
(ĐCSVN) – Kho tàng văn hoá của dân tộc Lô Lô, tỉnh Hà Giang lưu giữ nhiều giá trị văn hoá đặc sắc, trong đó lễ dâng cúng tổ tiên là một hoạt động giàu tính nhân văn, thu hút sự quan tâm của nhiều dân tộc anh em khác ở vùng cao phía Bắc.
Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt mang đậm tính giáo dục cộng đồng người Lô Lô hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, hiểu đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo kết nối cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản. Sau khi hết một năm để chào đón năm mới, cầu cho mưa thuận, gió hoà, bà con dân bản, gia đình dồi dào sức khoẻ, không ốm đau bệnh tật và nhà nhà, mọi người sống đoàn kết, hạnh phúc.
Trong một số hoạt động giới thiệu văn hoá của dân tộc mình diễn ra tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây – Hà Nội) công chúng Thủ đô đã có dịp chiêm ngưỡng phong tục lâu đời này của dân tộc Lô Lô do chính các chủ thể văn hoá đến từ thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang giới thiệu.
Đồng bào Lô Lô thường tổ chức tổ chức Lễ cúng tổ tiên từ ngày 25 - 30 tháng chạp, các hộ gia đình sẽ tổ chức cúng tại nhà trưởng họ (thầu chư) và được dòng họ chuẩn bị trước cả năm. Ban thờ tổ tiên người Lô Lô thường lập ở gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ, được cắm hoặc cài ở vách phía trên bàn thờ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên.
Theo phong tục người Lô Lô, tổ tiên phân thành hai hệ chính: Tổ tiên gần (duỳ khế) - các ông tổ 3 đến 4 đời và tổ tiên xa (pờ xi) - những ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở đi.
Để tiến hành làm Lễ, gia đình người Lô Lô mời thầy cúng làm lễ khấn tổ tiên, để qua đó bày tỏ ước nguyện của mình. Buổi lễ có sự chứng kiến của dòng họ và cả cộng đồng. Trống đồng một bảo vật được trang trọng gìn giữ của cả cộng đồng, được mang ra sử dụng trong nghi lễ cổ truyền của người Lô Lô. Ban thờ được các thanh niên Lô Lô trang trí với những sắc mầu tương ứng với tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc mình.
Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô, Hà Giang. |
Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô gồm 3 phần chính: Lễ hiến tế, Lễ tưởng nhớ và Lễ tiễn đưa tổ tiên. Đầu tiên là nghi lễ hiến tế tổ tiên: Thầy lễ làm thủ tục cúng trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng mời tổ tiên về dự lễ và thụ hưởng lễ vật do con cháu dâng lên.
Nét độc đáo trong Lễ, nhờ niềm tin tâm linh và lòng nhiệt tình mà suốt một ngày lễ, các chủ thể văn hoá tham gia điệu múa cổ trong nghi lễ vẫn múa dẻo, nhịp nhàng theo nhịp trống, không hề thấy mệt mỏi. Sau những nghi thức trong lễ, trong tiếng trống đồng, đồng bào Lô Lô làm Lễ tiễn tổ tiên, con cháu dâng lễ vật phẩm, tiền, vàng tiễn đưa tổ tiên trở về trời và phù hộ cho con cháu ở trần gian.
Sau phần Lễ đến phần Hội, đồng bào Lô Lô vùng hoà nhịp với những điệu nhảy sạp và hoạt động văn nghệ dân gian của dân tộc mình. Nghi lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô một hoạt động dân gian thẩm thấu đời sống tín ngưỡng, cùng những điệu múa hát, văn nghệ, lưu giữ nhiều giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian. Những giá trị đó tổng hòa, tạo lên nét đặc sắc trong lễ hội cổ truyền của người Lô Lô ở Hà Giang mà không nơi nào có được.