Từ năm 2024 tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên là người địa phương
(ĐCSVN) - Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Trưởng Ban chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh (BCĐ) tại phiên họp nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030, diễn ra ngày 16/11.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hà Giang phát biểu tại phiên họp. |
Dự họp có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành; các huyện, thành phố là thành viên Ban chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thế Bình đã thông qua các dự thảo gồm: Quy chế hoạt động của BCĐ nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023-2030; Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên BCĐ; Chương trình công tác của BCĐ năm 2023, 2024.
Theo đó, BCĐ có 30 thành viên. Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng BCĐ; đồng chí Nguyễn văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ. BCĐ hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của BTV Tỉnh ủy; làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công nhằm tập trung xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo tại địa phương đảm bảo tính hiệu quả, thực chất.
Kết luận phiên họp, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo - Cơ quan Thường trực BCĐ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên BCĐ để hoàn thiện quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ, chương trình công tác của BCĐ. Đồng thời thống nhất BCĐ sẽ họp 1 lần/quý và họp đột xuất khi có nhiệm vụ phát sinh. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng yêu cầu các thành viên BCĐ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về chủ trương, quan điểm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn; đặc biệt quan tâm công tác phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục học sinh.
Đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống tiêu cực trong giáo dục; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chống bệnh thành tích. Có giải pháp bù đắp tình trạng thiếu hụt giáo viên; khảo sát đánh giá chất lượng giáo viên để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; có giải pháp để giữ chân giáo viên, tránh tình trạng giáo viên chuyển công tác sang địa phương khác; từ năm 2024, tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên là người trong tỉnh. Ngành Giáo dục và các địa phương đánh giá thực chất chất lượng học sinh để xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp; chú trọng giáo dục mầm non, tăng cường dạy tiếng phổ thông cho các em; có kế hoạch từng bước đưa học sinh từ các điểm trường về trường chính và sắp xếp trường, lớp hợp lý…