Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tú Lệ và đặc sản nếp Tan Lả

Thứ Ba, 05/10/2021 08:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Nằm lọt thỏm giữa 3 ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, với khí hậu mát mẻ,Tú lệ như được trời ban cho đặc sản gạo nếp nổi tiếng và các cách chế biến không đâu sánh bằng.

Nằm giữa thung lũng với khí hậu mát mẻ đã giúp cho nếp Tú Lệ ngon đặc biệt không đâu sánh bằng

 

Theo tiếng của người Thái, nếp Tú Lệ được gọi là nếp Tan Lả. Đây là loại nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng Tú Lệ và là một trong những loại nếp ngon nhất của Việt Nam. Sau khi thu hoạch, nếp Tú Lệ được người Thái chế biến thành nhiều món ăn rất được ưa chuộng như cốm, xôi, bánh chưng, bánh giầy, rượu cần…

Nếp Tú Lệ có hạt to tròn, trắng trong, khi được đồ thành xôi thì có vị dẻo, thơm đặc biệt; còn khi chế biến thành cốm thì lại có hương vị ngọt ngào, thanh mát. Cốm Tú Lệ không chỉ là tinh hoa của đất trời, mà còn có cả tình yêu, hồn đất, hồn người gửi gắm vào trong đó.

Để làm ra những hạt cốm còn giữ nguyên được hương vị đậm đà, thơm dịu đầy sức quyến rũ mang nét đặc trưng của vùng cao Yên Bái, khi làm cốm, bà con người dân tộc Thái nơi đây đã phải rất công phu. Khi lúa khum ngọn, hãy còn nguyên hương sữa thì cũng là lúc gặt đem về làm cốm. Khi làm cốm phải hái những bông lúa từ khi còn sớm, hạt lúa còn đẫm sương đêm, mang về tuốt, sau đó rang ngay, nếu để ngày mai mới rang thì hạt cốm không còn xanh ngon nữa. Bởi thế, khi trời mới tờ mờ sáng, người dân Tú Lệ đã ra đồng hái lúa, mang về tuốt và rang ngay.

Bếp lò để rang thóc thường phải đắp xỉ than, nhưng không đốt than mà dùng củi. Chảo rang thường bằng gang đúc, có như vậy từng hạt cốm khi rang xong sẽ không bị cháy mà mềm dẻo, thơm ngon. Thóc được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều, rang xong đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã.

Cốm Tú Lệ cũng có cách chế biến đặc biệt tạo nên đặc sản không giống ở đâu 

 

Ở công đoạn giã cốm cũng rất công phu. Chân người giã phải đều, liên tục và nhịp nhàng để chày giã không mạnh quá hoặc nhẹ quá. Đồng thời, một người khác dùng mảnh tre đảo thóc trong cối, khi thấy có trấu thì xúc ra sảy bỏ rồi lại giã tiếp. Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng, trung bình khoảng 10 lần giã mới hoàn tất mẻ cốm. Cốm giã xong được gói trong lá dong xanh, vừa như tăng thêm màu xanh của cốm, vừa lưu giữ mùi thơm của sữa lúa.

Để thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho gia đình được mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc, đầy đủ, hàng năm, bà con trong các bản làng người Thái xã Tú Lệ lại tổ chức lễ "Mừng cơm mới” trước khi bước vào vụ thu hoạch lúa chín. Lễ hội được tổ chức vào tháng 8 Âm lịch hàng năm.

 Nếp Tú Lệ chế biến được rất nhiều món khác nhau

Với những ý nghĩa tâm linh ấy, ngay từ sáng sớm, đồng bào Thái xã Tú Lệ đã ra đồng gặt những bông lúa còn đẫm sương đêm để mang về làm cốm và rộn ràng chuẩn bị lễ vật cúng "Mừng cơm mới”, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bà con trong bản khỏe mạnh, sung túc, sống vui vẻ, chan hòa.

Lễ hội cốm xã Tú Lệ đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, góp phần gìn giữ phong tục tập quán, nét văn hóa độc đáo của người dân địa phương. Đây cũng là dịp khuyến khích đồng bào Thái cùng với địa phương duy trì, mở rộng vùng chuyên canh nếp Tan Tú Lệ, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.

 

HH

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN