Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 05/10/2023 15:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cuộc thi truyền thông “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm vì bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc thiểu số” do Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố Hà Nội tổ chức tại huyện Ba Vì đúng như tên gọi đã góp phần nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành vi, thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bổ sung nhiều kiến thức pháp luật về bình đẳng giới 

Huyện Ba Vì (Hà Nội) có 7 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chiếm tỷ lệ lớn ở các xã: Minh Quang, Yên Bài, Ba Trại, Ba Vì, Vân Hòa, Khánh Thượng, Tản Lĩnh là đồng bào các dân tộc Mường, Dao.

Huyện Ba Vì có 7 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mường, Dao. 

Để chuẩn bị cho cuộc thi, nhiều ngày nay, các thành viên của 7 đội thi đại diện cho 7 xã đã cùng nhau tìm hiểu về Luật bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình bởi nhiều câu hỏi của phần thi: Kiến thức được thiết kế có nội dung liên quan.

Chị Nguyễn Thị Lưu, đội thi xã Ba Trại cho hay, những quy định về Luật bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình thực sự rất hữu ích. Giờ thì không chỉ các thí sinh dự thi mà các tuyên truyền viên và nhiều thành viên trong gia đình đã hiểu đầy đủ hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 là như thế nào hay các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới...

 Các đội tham gia phần thi Kiến thức liên quan đến Luật bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình.

Những thông điệp được gửi gắm

Trong phần thi xử lý tình huống, các đội thi đã xử lý tình  huống do Ban giám khảo đưa ra liên quan đến việc tuyên truyền, vận động xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em... qua đó đưa ra thông điệp truyền thông liên quan.

Trong vai thành viên Tổ truyền thông cộng đồng, đội thi đến từ xã Minh Quang thông qua hình thức sân khấu hóa đã “cảm hóa” thành công người chồng vốn có tư tưởng việc nhà là của riêng phụ nữ nên đi làm về chỉ ngồi chơi không hoặc đi uống rượu với bạn. Từ đó, đội thi đã lan tỏa thông điệp: Việc nhà không phải của riêng người phụ nữ. Vợ chồng cần tôn trọng nhau, cùng chung tay vun đắp hạnh phúc gia đình. 

Trước tình huống một cặp vợ chồng cho con gái nghỉ học vì cho rằng con gái không cần học nhiều, đội thi xã Tản Lĩnh đã tuyên truyền, giúp cặp vợ chồng hiểu ra con trai, con gái cũng cần được trao cơ hội để phát triển bình đẳng như nhau.

Nếu như phần thi của đội thi đến từ xã Khánh Thượng thông qua việc xử lý tình huống đã giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về hành vi tảo hôn là vi phạm Luật Hôn nhân Gia đình thì phần thi của đội thi đến từ xã Yên Bài đã gửi tới cộng đồng thông điệp về phòng chống bạo lực gia đình "Phụ nữ là để yêu thương"; đội thi xã Vân Hòa qua việc xử lý tình huống người chồng còn mang nặng tư tưởng định kiến, tự cho mình quyền quyết định mọi việc trong gia đình để lan tỏa thông điệp: "Phụ nữ và nam giới đều bình đẳng, có quyền xử lý các công việc trong gia đình và ngoài xã hội".

Phần thi xử lý tình huống của đội thi xã Minh Quang. 

Đến từ sớm theo dõi và cổ vũ nhiệt tình cho cuộc thi đến phút cuối, bà Nguyễn Thị Bắc, 71 tuổi rất tâm đắc về câu hỏi phần Kiến thức và Xử lý tình huống liên quan đến bình đẳng giới.

Bình đẳng giới chính là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Ở thế hệ của tôi điều này quá xa lạ! Người chồng chả mấy khi động tay, động chân vào việc nhà trong khi người vợ đầu tắt, mặt tối cả ngày không hề có sự chia sẻ từ người bạn đời. Thế hệ con, cháu tôi thì điều này đã được cải thiện hơn! Tôi mong các chương trình truyền thông như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên, không chỉ ở Ba Vì mà ở cả các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để thế hệ sau này, nam - nữ thực sự có vị trí, vai trò ngang nhau như trong luật quy định, người phụ nữ dân tộc Mường bày tỏ./.

Minh Châu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN