Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trống đồng trong văn hóa tinh thần của người Lô Lô

Thứ Năm, 15/07/2021 16:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cao nguyên đá Đồng Văn là cái nôi văn hóa của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bức tranh văn hóa đầy sắc màu đó, nổi bật lên tiếng trống đồng vang vọng của người Lô Lô vẫn còn giữ nguyên bản, mang nét văn hóa riêng vốn có của người Lô Lô thuần túy và giản dị.

Trống đồng trong văn hóa của người Lô Lô như bảo vật của họ. Họ coi trống đồng là vật linh thiêng. Khi tiếng trống đánh lên như tín hiệu giữa cõi sống và cõi chết, giữa cuộc sống đời thường và thế giới siêu nhiên. Bởi vậy, với người Lô Lô trống đồng là vật kết nối giữa thần linh và con người, do đó, nó sẽ chỉ được vang lên trong những dịp đặc biệt quan trọng của dân làng: tang tế, lễ cúng thổ thần, lễ tế trời đất và các nghi lễ sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Người Lô Lô rất coi trọng trống đồng, nên chúng được cất giữ cẩn thận bởi trưởng họ và thường được treo cẩn thận trong nhà bếp. Mỗi tháng, gia chủ giữ trống phải thắp hương cúng khấn ba lần. Đặc biệt, khi mang trống ra sử dụng cần phải thắp hương xin phép tổ tiên rồi mới được hạ trống xuống.

 Những nét hoa văn trên mặt trống đực và trống cái. (Ảnh: Theo Dongvan.gov.vn)

Một bộ trống đồng có 2 cái: một trống đực và một trống cái. Với trống to (trống cái) tiếng Lô Lô gọi là dảnh mo; trống bé (trống đực) gọi là dảnh pố. Trống đực được cấu tạo tang nở, thân eo, chân choãn, có đường kính mặt rộng khoảng trên 60cm. Đường kính chân trống 56cm, cao 37cm và có 4 quai bố trí thành 2 cặp đối xứng nhau qua trục thân. Chính giữa mặt trống và hoa văn hình ngôi sao 12 cánh.

Trống được trang trí bằng nhiều loại hoa văn tiêu biểu trong văn hóa của người Lô Lô: đường thẳng song song hướng tâm, vòng tròn chấm, hình người hóa trang cách điệu. Nếu nhìn kỹ những nét hoa văn trên mặt trống sẽ thấy nhiều điểm tương đồng với hoa văn trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô.

Để phân biệt trống đồng Lô Lô với trống đồng của các dân tộc khác thì hãy nhìn vào những lỗ thủng tròn trên mặt trống. Bởi người Lô Lô quan niệm, bố là trời, mẹ là đất và mặt trời là trung tâm vũ trụ. Và trống đồng chính là biểu tượng của vũ trụ, hình tròn giữa mặt trống chính là mặt trời, những tia trống là những con mắt của trời và các vành hoa văn xung quanh trống là các hành tinh vây quanh mặt trời.

Người Lô Lô có tới 36 điệu đánh trống. Trong lễ tế trời thì dùng trống trời (mồ dảnh), lễ cúng thổ thần dùng trống ếch (po dảnh) và trong tang ma dùng múi dảnh, thắng dảnh. Khi đánh trống, trống đực được đeo bên phải, trống cái bên trái, khoảng cách giữa hai trống là 30cm. Người đánh trống sẽ dùng một dùi tre dài khoảng 15cm, đường kính 1cm và một thanh tre dẹt 20cm để đánh trống.

Trong nghi lễ tang ma, âm thanh của trống đồng là phương tiện đưa linh hồn người chết về với tổ tiên, là sợi dây linh thiêng kết nối cõi sống và cõi chết. Đối với các nghi lễ khác, tiếng trống đồng là thanh âm không thể thiếu trong các điệu múa dân gian.

 Người rừng trong lễ tế tổ tiên của người Lô Lô. (Ảnh: Theo VOV.VN)

Trong vô số điệu múa nghi lễ và vui chơi của người Lô Lô, có điệu múa “người rừng” hay còn gọi là “ma cỏ”, tiếng Lô Lô là gà lu là một nét văn hóa đặc biệt. Số lượng người tham gia điệu múa gà lu thường từ 6-8 người. Những người này lên rừng lấy cây dương xỉ hóa trang thành người rừng. Bởi trong quan niệm của dân tộc Lô Lô, ma cỏ là nguồn cội của tổ tiên ở trên rừng, lấy cây cỏ làm quần áo. Vì vậy, khi làm lễ tế muốn tổ tiên về được thì phải có ma cỏ dẫn đường. Những người này sẽ nhảy múa đến khi buổi lễ kết thúc.

Bên cạnh đó, vào mỗi dịp tết đến xuân về hay những dịp lễ hội đặc biệt của đồng bào Lô Lô. Tiếng trống đồng lại vang lên hòa cùng âm thanh nơi vùng cao nguyên đá tạo nên bản nhạc đầy màu sắc trong điệu nhảy, tiếng cười của đồng bào Lô Lô cùng vui xuân về.

Những lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào Lô Lô gìn giữ được đến ngày này đã tạo nên sắc màu văn hóa đặc sắc, ấn tượng trên rẻo cao biên cương cực Bắc. Hòa cùng âm thanh vang vọng của núi rừng Tây Bắc, tiếng trống đồng của người Lô Lô vang lên như biểu trưng của những giá trị truyền thống dân tộc vẫn đang được gìn giữ nguyên vẹn./.

Đỗ Thủy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN