Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân

Thứ Hai, 13/11/2023 09:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn, nhiều tỉnh, thành đã triển khai các hoạt động như: Lan tỏa hành động hiến máu tình nguyện trong cộng đồng; Tập trung kiểm tra địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao; Phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ…

Bến Tre: Phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên

Ngày 11/11, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre thông tin, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận người nam thanh niên P.T.N (31 tuổi) làm lễ tân, tạm trú tại một phòng trọ thuộc phường 6, thành phố Bến Tre dương tính đậu mùa khỉ. Đây là trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Bến Tre. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại phòng trọ, chờ chuyển vào bệnh viện điều trị.

Theo báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre, bệnh nhân đau họng từ ngày 3/11, sau đó kèm theo triệu chứng nổi bóng nước ở vùng môi trên nên đến khám tại một bệnh viện tại thành phố Bến Tre (cả bệnh nhân và bác sĩ đều có đeo khẩu trang). Đến ngày 8/11, các triệu chứng như đau họng, mệt mỏi không giảm kèm theo xuất hiện các bóng nước, mụn nước ở vùng hậu môn, bộ phận sinh dục, mặt, bàn tay nên bệnh nhân tự đi mua thuốc tại nhà thuốc tư nhân ở phường 6, thành phố Bến Tre. Đến ngày 9/11, bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh khám và được lấy mẫu vì nghi ngờ đậu mùa khỉ.

Ảnh minh họa. Nguồn: CP 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre nhận định, bệnh nhân có tiếp xúc với những người khác trong thời gian có triệu chứng vì vậy nhiều nguy cơ sẽ xuất hiện thêm các ca mắc đậu mùa khỉ mới trong giai đoạn tới. Ngành y tế đã điều tra, truy vết trực tiếp ca bệnh và lập phiếu điều tra trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ; lập danh sách người tiếp xúc và hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Riêng trường hợp có triệu chứng sốt, nổi bóng nước đã đến trạm y tế để lấy mẫu và cách ly tạm thời chờ kết quả.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre cũng đề nghị trạm y tế theo dõi sát tình trạng sức khỏe của ca tiếp xúc gần, khi có triệu chứng nghi ngờ thì báo ngay cho trung tâm Y tế huyện và CDC tỉnh. Mặt khác, trạm y tế khử khuẩn bằng Cloramin B 0,05% tại các khu vực có liên quan đến bệnh nhân, đặc biệt là nơi cách ly hiện tại; tăng cường truyền thông về bệnh đậu mùa khỉ đến nhân dân...

Hà Nội: Tập trung kiểm tra địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao

Tại giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã mới đây về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, UBND thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù giảm nhưng số ca mắc sốt xuất huyết vẫn ở mức cao. Do đó không được chủ quan mà cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa đợt cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Đặc biệt, ngay trong tháng 11, tập trung kiểm tra những địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao. Ban Chỉ đạo y tế trường học cũng thành lập 2 đoàn kiểm tra y tế học đường, trong đó tập trung kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các nhà trường.

 Về công tác điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các cơ sở y tế vẫn đáp ứng được nhu cầu điều trị của người bệnh, không xảy ra tình trạng quá tải. Tuy nhiên, bà Vũ Thu Hà lưu ý, ngành Y tế cần rà soát lại công tác thu dung, tiếp nhận người bệnh, bảo đảm người mắc sốt xuất huyết được tiếp nhận và điều trị kịp thời.

Ảnh minh họa. Nguồn: Chiêu Nam 

Từ đầu năm đến ngày 6/11, toàn thành phố ghi nhận 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,3% số xã, phường, thị trấn) và đã có 4 trường hợp tử vong. Trung bình mỗi tuần thành phố ghi nhận từ 2.400 - 2.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là Hà Đông 1.973 ca, Hoàng Mai 1.840 ca, Phú Xuyên 1.835 ca, Thanh Oai 1.639 ca, Đống Đa 1.565 ca, Thanh Trì 1.553 ca. Cùng với đó toàn thành phố ghi nhận 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.

Bình Định: Lan tỏa hành động hiến máu tình nguyện trong cộng đồng

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Kế hoạch vận động hiến máu tình nguyện năm 2024, theo đó phấn đấu vận động 22 ngàn người hiến máu tình nguyện.

Ông Hà Văn Cát, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho hay, để đạt được kế hoạch đề ra, Hội tăng cường công tác tuyên truyền về vận động hiến máu tình nguyện; sự cần thiết và ý nghĩa cao đẹp của việc hiến máu tình nguyện cứu người bệnh, đa dạng đối tượng hiến máu trong các tầng lớp nhân dân, trong cán bộ công chức, viên chức, doanh nghiệp, người lao động. Hội vận động người hiến máu tăng thể tích từ 250ml lên 350ml, 450ml, hiến khối tiểu cầu gạn tách; phấn đấu đưa tỷ lệ người hiến máu tình nguyện với thể tích 350ml đạt 30% so với tổng lượng máu thu được trong năm của từng đơn vị... Hội tổ chức nhiều đợt hiến máu bổ sung, đột xuất, tập trung tăng khối địa phương, đẩy mạnh vận động các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp hưởng ứng khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, Hội triển khai đồng loạt Chiến dịch “Những giọt máu hồng hè”, Hành trình đỏ, Ngày Chủ nhật đỏ, Lễ hội Xuân hồng…; đồng thời, tôn vinh, biểu dương những gương điển hình trong phong trào hiến máu tình nguyện.

Bác sỹ Võ Đình Lộc, Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định thông tin, Khoa phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh thảo luận và thống nhất đưa kế hoạch vận động cho cả năm và cụ thể cho từng tháng, từng tuần đối với tất cả các đơn vị tổ chức hiến máu tình nguyện. Khoa cũng chủ động phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan triển khai nhịp nhàng, có thể điều chỉnh số lượng người hiến phù hợp với từng thời điểm thích hợp nhằm đảm bảo máu và chế phẩm máu sử dụng hợp lý, an toàn. Khoa khuyến cáo và đề nghị các đơn vị tổ chức vận động, kêu gọi mọi người đăng ký hiến máu tình nguyện đúng số lượng theo kế hoạch đã phân bổ cho từng đợt cụ thể, tránh trường hợp lúc quá nhiều, lúc quá ít.

Do tâm lý chung của các đơn vị tổ chức hiến máu là thường vận động vượt kế hoạch vào những tháng, đợt đầu năm dẫn đến lượng người hiến máu tăng vọt, có khi tăng tới 150 - 200%, từ đó không đảm bảo cho việc lưu trữ và phát sinh nguy cơ thiếu lượng máu vào những tháng cuối năm. Mọi người khi đi hiến máu nên chú ý đi đúng khung giờ đã được phân bổ nhằm tránh gây quá tải khối lượng công việc cho nhân viên y tế./.

KN (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN