Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gần 15.000 liều vắc xin sốt xuất huyết đã được tiêm và đặt giữ chỗ

Thứ Sáu, 27/09/2024 08:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Việc đưa vào sử dụng vaccine sốt xuất huyết (SXH) là bước tiến quan trọng trong công tác phòng chống bệnh nguy hiểm này. Việt Nam đã phê duyệt vaccine SXH cùng 39 nước trên thế giới, tiến thêm một bước quan trọng cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tại Hội thảo chuyên sâu về vắc xin sốt xuất huyết diễn ra vào chiều ngày 26/9 tại TP.Hồ Chí Minh, BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, kể từ khi triển khai tiêm vào ngày 20/9, gần 200 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc của VNVC đã tiêm và nhận đặt giữ chỗ cho gần 15.000 liều vaccine SXH cho trẻ em và người lớn.

 BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ tại Hội thảo.

Có mặt tại hội thảo chuyên sâu về vắc xin sốt xuất huyết cùng hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế VNVC, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sốt xuất huyết không chỉ gây gánh nặng và áp lực cho bệnh nhân, gia đình mà còn cho hệ thống và nhân lực ngành y tế. Gần 40 năm trước, Việt Nam đã chứng kiến dịch sốt xuất huyết khủng khiếp tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Thời điểm đó, việc phòng bệnh chủ yếu dựa vào diệt muỗi và lăng quăng, không có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy rất nhiều ca tử vong đã xảy ra tại TP.HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc đưa vào sử dụng vắc xin sốt xuất huyết là bước tiến quan trọng trong công tác phòng chống bệnh nguy hiểm này.

“Từ nửa thế kỷ trước, việc tìm ra vắc xin sốt xuất huyết là vấn đề cấp thiết. Việt Nam đã phê duyệt vắc xin sốt xuất huyết cùng 39 nước trên thế giới, tiến thêm một bước quan trọng cho công tác phòng chống dịch bệnh. Việc sử dụng vắc xin cùng các biện pháp phòng chống khác sẽ giảm số ca mắc bệnh, nhập viện và gặp biến chứng nặng do bệnh trong tương lai không xa. Đó là bằng chứng thuyết phục nhất về tính an toàn, hiệu quả và tính nhân văn cao cả của vắc xin nói chung và vắc xin sốt xuất huyết nói riêng”, bà Tiến kỳ vọng.

Ở góc độ quản lý, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM chia sẻ, trước khi vắc xin được phê duyệt và đưa về Việt Nam triển khai tiêm cho người dân cả nước, nhiều biện pháp phòng chống sốt xuất huyết đã được ngành y tế triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua nhưng do tình hình dịch diễn biến phức tạp, việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn khiến bệnh ngày càng gia tăng. Ông cho rằng vắc xin sốt xuất huyết là biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu, dành cho số đông. Các kết quả nghiên cứu cho thấy đây là vắc xin an toàn và dùng được cho trẻ em là đối tượng nhạy cảm và tỷ lệ mắc sốt xuất huyết rất cao. Ông kỳ vọng khi số người sử dụng vắc xin tăng lên cùng với các cái biện pháp khác, chắc chắn rằng trong một thời gian ngắn, gánh nặng do sốt xuất huyết gây ra đối với cộng đồng sẽ giảm đáng kể.

Là đơn vị triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên tại Việt Nam, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết kể từ khi triển khai vắc xin vào ngày 20/9, gần 200 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc của VNVC đã tiêm và nhận đặt giữ cho gần 15.000 liều vắc xin sốt xuất huyết cho trẻ em và người lớn.

Người dân tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết tại VNVC.  

Chia sẻ về sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, BS Chính cho biết, virus Dengue có 4 tuýp huyết thanh khác nhau, nhiễm lần đầu với bất kỳ một trong các tuýp huyết thanh được cho là sẽ tạo miễn dịch lâu dài nhưng có thể không kéo dài suốt đời và bảo vệ tạm thời, ước tính từ vài tháng đến 1-2 năm chống lại các tuýp huyết thanh khác. Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời với các tuýp virus khác nhau thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.

Sốt xuất huyết gây ra các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Bệnh có nguy cơ trở nặng vào giai đoạn hết sốt từ ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh khiến người bệnh dễ chủ quan. Các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn khi mắc sốt xuất huyết là trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì… Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu.

Tại hội thảo, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết, hằng năm, nước ta có hàng trăm nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết với hàng chục đến hàng trăm ca tử vong. WHO đánh giá sốt xuất huyết là một trong 10 gánh nặng y tế toàn cầu, xếp mức độ 3 (mức độ cao nhất) về khẩn cấp y tế.

Theo BS Khanh, bệnh sốt xuất huyết khó kiểm soát nguồn lây bởi người mắc sốt xuất huyết có thể không biểu hiện hoặc có triệu chứng không rõ ràng. Theo nghiên cứu, 80% người không có triệu chứng vẫn có khả năng lây nhiễm sốt xuất huyết. Bệnh nặng khó dự đoán trước và có thể phát triển mà không có dấu hiệu cảnh báo. Ghi nhận mới nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết hiện đang tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 8/2024, bệnh viện có 130 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện và 8 trường hợp gặp biến chứng sốc sốt xuất huyết, phải điều trị tích cực. “Nếu không có vắc xin, chúng ta chỉ “đi theo đuôi” sốt xuất huyết”, BS Khanh nhận định.

Sốt xuất huyết hiện không có phương pháp điều trị đặc hiệu, trọng tâm là phát hiện sớm và điều trị các triệu chứng. WHO kêu gọi bên cạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh, kiểm soát vector lây truyền bệnh, giám sát chặt chẽ bệnh, người dân cần tiêm chủng vắc xin để phòng bệnh hiệu quả./.

An Nhiên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN