Triển khai các giải pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tại địa phương
(ĐCSVN) – Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, ngành y tế địa phương đã triển khai các giải pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết gia tăng. Ngoài ra, địa phương còn triển khai khám, chữa bệnh và tư vấn chăm sóc răng miệng cho trẻ bại não…
Ảnh minh họa. Nguồn: Đinh Hương |
Thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phòng chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết gia tăng
Ngày 17/4, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, một tuần trở lại đây, trên địa bàn Thành phố ghi nhận sự gia tăng các ca bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Đặc biệt, số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh.
Cụ thể, trong tuần 15 (tính từ ngày 8 đến 14/4), Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 287 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tăng 87% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 15 là 2.289 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100 nghìn dân cao bao gồm: Huyện Nhà Bè, Quận 6 và Quận 8. Trong tuần 15, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 136 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 15 là 2.585 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100 nghìn dân cao bao gồm Quận 1, Quận 7 và thành phố Thủ Đức.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân cần thực hiện nguyên tắc ba sạch để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ. Đó là ăn uống sạch bằng cách ăn chín uống chín, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo vật dụng ăn uống sạch sẽ và không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa. Virus tay chân miệng có thể tồn tại ở bề mặt đồ vật trong không gian sống. Vì vậy, cần ở sạch, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Trẻ em và người chăm sóc trẻ cần giữ tay sạch bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ./.
Khánh Hòa triển khai các giải pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng gia tăng,
Từ đầu năm 2024 đến ngày 16/4, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 276 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 180 ca so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo theo chu kỳ, bệnh tay chân miệng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Theo lý giải của đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, thông thường bắt đầu từ tháng 2, dịch tay chân miệng có xu hướng tăng, đạt đỉnh vào khoảng tháng 4 - 5 và có xu hướng giảm từ tháng 6 - 7 trở về sau. Nguyên nhân là do từ tháng 2 sau kết thúc đợt nghỉ Tết dài, các em nhỏ bắt đầu quay lại trường học và cũng thời điểm các trường Mầm non bắt đầu nhận các lớp học mới. Đây cũng là thời điểm thời tiết giao mùa, khí hậu nắng nóng ẩm, thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có chủng virus EV71.
Hiện, thành phố Nha Trang và huyện Vạn Ninh là những địa phương có số ca mắc cao, chiếm gần một nửa số ca mắc của toàn tỉnh. Các trường hợp mắc tay chân miệng tập trung ở trẻ từ 3 tuổi trở xuống, chiếm 80,4%; trong đó nhóm từ 13 - 36 tháng tuổi chiếm 67%. Các ổ dịch ghi nhận được trong thời gian qua chủ yếu tại các trường Mầm non trên địa bàn thành phố Nha Trang.
Thông thường, hầu hết số trẻ mắc tay chân miệng tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, trong số các ca được lấy mẫu xét nghiệm đã phát hiện có kháng thể IgM của EV71. Ðây là chủng virus có độc lực cao. Trẻ mắc chủng này dễ chuyển biến nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo các bác sỹ Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị. Do đó để tránh tình trạng bùng phát dịch trên diện rộng, phụ huynh cần chú ý vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, không nên chủ quan khi phát hiện các triệu chứng như: nóng, sốt, nổi vết bỏng nhỏ ở tay chân… Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa con đi khám, cách ly với trẻ khác tránh tình trạng lây lan, phát tán dịch.
Đắk Lắk: Khám, chữa bệnh và tư vấn chăm sóc răng miệng cho trẻ bại não tại Đắk Lắk
Trong ba ngày từ 19 - 21/4, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột phối hợp với Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (thuộc Liên hiệp Hội người khuyết tật Việt Nam) tổ chức Chương trình khám, chữa bệnh và tư vấn chăm sóc răng miệng cho trẻ bại não năm 2024.
Khám, chữa bệnh và tư vấn chăm sóc răng miệng cho trẻ tại Đắk Lắk. Ảnh: Nguyên Dung |
Tại chương trình, có khoảng 40 trẻ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được các bác sỹ thăm khám, điều trị và tư vấn chăm sóc sức khỏe răng miệng. Các cháu được cạo vôi răng, trám răng, nhổ răng, cấp thuốc và nhận thuốc miễn phí và được tặng 40 suất kẹo ngậm vệ sinh răng Flour…
Các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cho biết, Bệnh viện luôn dành nhiều sự quan tâm đến các chương trình hỗ trợ cộng đồng trong khu vực, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Các cháu dù không trọn vẹn về sức khỏe, hình hài nhưng vẫn luôn là mầm non được cộng đồng yêu thương, chăm sóc. Hoạt động nhân đạo khám, chữa bệnh và tư vấn chăm sóc răng miệng cho trẻ bại não không chỉ có ý nghĩa về mặt chăm sóc y tế mà còn tiếp thêm động lực, vơi bớt gánh nặng tài chính để ba mẹ mạnh mẽ đưa các cháu ra ánh sáng, hòa nhập và kết nối với cộng đồng./.