Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Việt Nam - Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ

Thứ Bảy, 28/09/2024 22:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đầu tư vào dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời là một trong những cách thức hiệu quả, chi phí thấp nhằm giảm tỉ lệ tử vong trẻ em và giảm tỉ lệ mắc, tỉ lệ tử vong của bà mẹ theo mục tiêu phát triển bền vững, là giải pháp hiệu quả trong giảm suy dinh dưỡng thấp còi.

 Ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: JICA)

Đây là thông tin được đưa ra tại “Hội thảo chuyên đề Nhật Bản - Việt Nam về cải thiện thực hành ăn dặm trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ em Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức ngày 28/9 tại Hà Nội, với sự phối hợp giữa Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam và các cơ quan liên quan. 

Dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời có vai trò rất quan trọng đối với trẻ

Tại Hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam khẳng định: Dinh dưỡng là yếu tố môi trường rất quan trọng đối với sức khỏe, thể lực và trí tuệ của con người. Các nhà khoa học đã xác định 1.000 ngày đầu đời của trẻ được tính từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Dinh dưỡng cho trẻ trong 1000 ngày vàng lại càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa. 1.000 ngày đầu đời tuy ngắn nếu so với cả đời người nhưng lại có ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời.

Ở thời kỳ này, sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của trẻ và bà mẹ có liên hệ mật thiết nhất. Dinh dưỡng tốt khi mang thai không chỉ bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ, cho thai nhi mà còn liên quan đến khả năng nuôi trẻ bằng sữa mẹ sau sinh và sức khỏe của trẻ sau này. Dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời đóng góp tới 80% trọng lượng não bộ và dự phòng các bệnh mạn tính khi trưởng thành. Nếu giai đoạn này trẻ được nuôi dưỡng tốt có thể sẽ tăng chiều cao từ 25cm trong 12 tháng đầu và 10cm/ năm trong năm tiếp theo. Do đó, trong 2 năm đầu đời, em bé có thể tăng chiều cao tới 35cm. Chiều cao của trẻ giai đoạn này sẽ bằng 1/2 chiều cao lúc trưởng thành.

Thiếu hoặc thừa dinh dưỡng của người mẹ trong thai kỳ và dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời của trẻ làm cho sự phát triển về thể chất, xã hội, tình cảm và nhận thức của đứa trẻ trở lên xáo trộn dẫn tới mất đi các cơ hội mà mỗi trẻ sinh ra có quyền được hưởng. Đầu tư vào dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời là một trong các cách thức hiệu quả, chi phí thấp nhằm giảm tỉ lệ tử vong trẻ em và giảm tỉ lệ mắc, tỉ lệ tử vong của bà mẹ theo mục tiêu phát triển bền vững, là giải pháp hiệu quả trong giảm suy dinh dưỡng thấp còi.

Ông Sugano Yuichi, trưởng đại diện JICA Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: JICA)

Nỗ lực cải thiện những vấn đề về dinh dưỡng

Việt Nam đang phải đối phó đồng thời 3 gánh nặng về dinh dưỡng, bao gồm thiếu dinh dưỡng, thừa dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng. Bên cạnh thực trạng suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn tồn tại dai dẳng ở các khu vực khó khăn, nông thôn miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng đặc biệt ở khu vực đô thị. Những vấn đề dinh dưỡng trẻ em này sẽ làm chậm lại sự phát triển về tầm vóc, thể lực và trí tuệ cũng như gia tăng gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành.

Một trong nhưng nguyên nhân của vấn đề là thực hành dinh dưỡng chưa tối ưu, đặc biệt là thực hành cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ được 6 đến 23 tháng tuổi. Đây là lứa tuổi trẻ tập làm quen với thức ăn gia đình, chuyển tiếp từ bú mẹ sang ăn cứng, khả năng miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, dễ tiếp cận với các nguồn gây bệnh, các chức năng sinh lý, giải phẫu và tâm lý còn chưa hoàn chỉnh. Do đó các vấn đề dinh dưỡng xuất hiện nhiều ở lứa tuổi này.

Trong một nghiên cứu tổng quan mà Viện Dinh dưỡng đã tiến hành cùng với UNICEF năm 2019, hơn 50% trẻ em Việt Nam được bắt đầu cho ăn bổ sung sớm trước 6 tháng trong khi 18% trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi không có chế độ ăn đủ đa dạng và 36% không ăn đủ bữa. Những trẻ này có chế độ ăn kém chất lượng, thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu. Có đến 1/3 số trẻ này không được tiêu thị các thực phẩm có nguồn gốc động vật hành ngày trong khi 22% không tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin A và 14% không tiêu thụ các thực phẩm giàu sắt hàng ngày. Có một số bằng chứng cho thấy việc tiêu thụ rau xanh hành ngày cũng thấp. Trẻ em trong các gia đình nghèo và sống ở vùng khó khắn, dân tộc thiểu số có số lượng và chất lượng thức ăn bổ sung kém.

Trong khuôn khổ hội thảo, Bộ Y tế đã chính thức công bố kế hoạch biên soạn "Hướng dẫn thực hành ăn bổ sung phiên bản Việt Nam", đồng thời dự kiến phối hợp cùng các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cơ sở giáo dục của Việt Nam và Nhật Bản để triển khai phổ biến hướng dẫn này. 

 Lễ ký Biên bản thỏa thuận giữa Viện Dinh dưỡng quốc gia và công ty Asahi Group Foods. (Ảnh: JICA)

Tham dự hội thảo, các đại biểu kỳ vọng rằng: Không chỉ là các lý thuyết về việc cho trẻ ăn gì và ăn bao nhiêu, mà việc tuyên truyền về phương pháp thực hành cách cho ăn phù hợp với sự phát triển chức năng ăn uống của trẻ là điều cần thiết. Việc phát triển một cuốn sách hướng dẫn mang tính thực hành như vậy sẽ giúp giải quyết được những băn khoăn của các bậc phụ huynh Việt Nam trong việc cho con ăn bổ sung và góp phần vào sự phát triển khỏe mạnh của trẻ.

Việc chia sẻ kiến thức về chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, hướng dẫn cho con bú và ăn dặm của Nhật Bản được trao đổi giữa hai quốc gia, đồng thời việc tăng cường phổ biến kiến thức này đến các cơ sở y tế và mỗi gia đình một cách dễ tiếp cận, được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của phụ nữ mang thai và cho con bú, hỗ trợ việc cho trẻ ăn bổ sung đúng cách, từ đó thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại Việt Nam.

Tại hội thảo, đại diện JICA cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động liên quan tới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em và dinh dưỡng./.

 

Kiều Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN