Triển khai các biện pháp mạnh mẽ để chống ô nhiễm không khí
(ĐCSVN) – Ngay trước Ngày Môi trường Thế giới (5/6), ông David Boyd, Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền và môi trường của Liên hợp quốc lên tiếng kêu gọi các quốc gia cần có biện pháp mạnh mẽ chống ô nhiễm không khí, cải thiện sức khỏe, chống biến đổi khí hậu và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với quyền con người.
Trong tuyên bố được đưa ra, ông David Boyd nêu rõ: Ô nhiễm không khí là một kẻ giết người thầm lặng, vô hình và là nguyên nhân khiến 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm và ảnh hưởng theo cách không tương xứng đến phụ nữ, trẻ em và các cộng đồng nghèo”. "Không bảo đảm một bầu không khí trong lành là vi phạm quyền được sống, sức khỏe và phúc lợi, cũng như quyền được sống trong một môi trường lành mạnh. Các quốc gia phải tiến hành các bước khẩn cấp nhằm cải thiện chất lượng không khí để thực hiện nghĩa vụ của mình liên quan đến quyền con người" – ông Boyd nói thêm.
Theo chuyên gia của Liên hợp quốc, không khí trong lành là một thành phần thiết yếu của quyền được hưởng một môi trường lành mạnh, cũng như nước sạch và vệ sinh đầy đủ, các sản phẩm thực phẩm an toàn và bền vững, một môi trường không độc hại, đa dạng sinh học lành mạnh và khí hậu an toàn. Quyền được hưởng một môi trường lành mạnh là điều cần thiết cho sức khỏe con người và được 150 quốc gia công nhận ở cấp quốc gia và khu vực. Cần tái khẳng định trên toàn thế giới để bảo đảm việc thực hiện các quyền này bởi tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi trên thế giới, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc của tính phổ quát và không phân biệt đối xử về quyền con người.
Ông Boyd cho biết, hiện có nhiều thành công trong việc giảm mạnh ô nhiễm không khí trên toàn thế giới, kể cả ở Trung Quốc. "Họ chứng minh rằng ô nhiễm không khí là một vấn đề có thể ngăn ngừa" – Báo cáo viên khẳng định.
Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền và môi trường David Boyd nhắc lại 7 bước quan trọng, được công bố trong báo cáo gần đây của Liên hợp quốc, rằng các quốc gia phải thực hiện giám sát chất lượng không khí và ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người; đánh giá nguồn ô nhiễm không khí; nhận thức của cộng đồng; thiết lập và triển khai thực hiện các quy định và các chương trình hành động vì chất lượng không khí./.