Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tri ân thầy cô – "Những người đưa đò”

Thứ Sáu, 19/11/2021 19:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhìn lại 2 năm ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, xã hội ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi để thay đổi và thích ứng của đội ngũ giáo viên. Sự hy sinh, tận tâm, trách nhiệm của các thầy cô đã góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trong chặng đường dài đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

 Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị gián đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi, nhiều hoạt động giáo dục không thể thực hiện được. Chưa khi nào một điều rất đỗi bình thường là học sinh tới trường học lại trở nên khó khăn đến như vậy. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có thu nhập, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Trong bộn bề khó khăn ấy, nhiều thầy giáo, cô giáo vẫn miệt mài, không quản ngại ngày đêm bám trường, bám lớp, đặc biệt ở các buôn làng, xóm, ấp ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số học sinh, phụ đạo học sinh yếu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Hay các tấm gương giảng viên không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong dạy học, có thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, có nhiều công trình khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19,…

Sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi tỉnh Bắc Kạn, cô giáo Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trường mầm non Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, cô đã có 9 năm công tác tại trường Mầm non xã Bằng Lãng – huyện Chợ Đồn- tỉnh Bắc Kạn. Nơi trường cô công tác cách trung tâm thị trấn 8 km với gần 100 cháu học sinh 100% là người dân tộc thiểu số. Nhiều học sinh tại đây có hoàn cảnh khó khăn, có cháu không đủ điều kiện để đi học, lớp học cách nhà hàng chục km đường rừng. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ các thầy cô giáo đã kiên trì vận động từng gia đình để các con có thể được học những con chữ.

“Dù lớp học trên đỉnh đồi, xe máy không đi được phải trèo đèo, lội suối để đến trường, nhưng chúng tôi không quản ngại khó khăn với mong muốn không chỉ “dạy chữ mà còn dạy người”, các con “mỗi ngày học hay đến trường là một niềm vui”. Có những trường, phụ huynh nghèo quá, một bữa cơm có thịt là cả một niềm mơ ước đối với các con, lúc đó không ai bảo ai, các cô giáo lại góp tiền, góp công để giúp đỡ những bữa ăn cho các con tươm tất…”- cô Dung chia sẻ.

Khó khăn là vậy, nhưng với cô giáo Nguyễn Thị Dung tình thương học trò chính là nguồn động lực lớn giúp thầy cô vượt qua trở ngại, để bám trường, bám bản.

Hay như cô giáo Hà Thị Dung, Trường Tiểu học Tri Lễ 1, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, đã cùng một số giáo viên của trường xung phong đi cách ly cùng với các học sinh để chăm sóc, hướng dẫn các em học tập trong thời gian cách ly. Hết cách ly, trở về trường học, cô lại tiếp tục tìm giải pháp để bổ trợ kiến thức cho học sinh.

“Trường chúng tôi học sinh đa số con em hộ nghèo, nên tham gia vào học online rất vất vả, các em không có cả thiết bị để học. Vì vậy, các cô phải trực tiếp lấy sách dạy các em học trong khu cách ly. Hiện tại đang trong bối cảnh cả nước chống dịch, đa số các địa phương tổ chức học online, một số em không có điều kiện học online thì các cô phải chia nhỏ ra để đưa đến lớp, kể cả thứ 7, chủ nhật, để cho các em được học tập, bổ sung kiến thức”- cô kể.

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay có nhiều giáo viên không được hưởng niềm vui trọn vẹn, khi dịch bệnh ảnh hưởng tới đời sống của các thầy cô giáo. Và ngay cả khi dịch bệnh ở thời điểm căng thẳng nhất, các thầy cô giáo và ngành Giáo dục đã và đang biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội và động lực để tiếp tục tham gia xây dụng và đổi mới ngành giáo dục.

Ghi nhận, tri ân những nỗ lực không mệt mỏi để thay đổi và thích ứng của đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: 2 năm qua, ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, sự hy sinh, tận tâm, trách nhiệm của các thầy cô đã góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành. Qua đó, củng cố thêm sức mạnh, niềm tin để toàn ngành tiếp tục nỗ lực, vượt khó, không chỉ trong giai đoạn “thích ứng tạm thời” hiện nay, mà còn trên cả chặng đường dài đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.

Giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo. Đổi mới thành công hay không, một phần rất quan trọng do đội ngũ nhà giáo quyết định. Do đó, một đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng sẽ là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới được thành công.

“Vẫn biết còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng được mong mỏi của các thầy cô, song với trách nhiệm của mình, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục nỗ lực kiến tạo những chính sách mới, điều chỉnh các chính sách bất cập lạc hậu, để tạo động lực cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ và đồng hành cùng tất cả các thầy, các cô”, Bộ trưởng chia sẻ.

“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo…”. Đây là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề đặt ra đối với những “kỹ sư tâm hồn”, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và ứng phó với dịch bệnh như hiện nay.

Mong rằng các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên khắp cả nước tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy sự chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm với nghề và học sinh để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người”, ứng phó với dịch bệnh, tất cả vì tương lai đất nước!

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN