Trên 1,4 triệu lượt du khách đến với Hà Giang trong 6 tháng đầu năm
(ĐCSVN) - 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Giang ước đạt 1,18%; lượng khách du lịch đến tỉnh tăng cao, đạt trên 1,4 triệu lượt người, tăng 28,2% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng gần 7 lần; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15,8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2022…
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Kim Tiến) |
Thông tin tại phiên họp thường kỳ tháng 6 diễn ra ngày 30/6, UBND tỉnh Hà Giang cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nổi bật là, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 6,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 43,1% KH. Tổng dư nợ tín dụng đạt trên 28 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với cuối năm 2022. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, nhiều chương trình, sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, lượng khách đến tỉnh đạt trên 1,4 triệu lượt người, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 56,7% KH.
Các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu của tỉnh; thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 148,5 triệu USD, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung vào các cây con có thế mạnh, sản phẩm đặc hữu, đặc trưng của tỉnh; sản xuất nông nghiệp tăng 4,61% so với cùng kỳ.
Chương trình phục hồi KT - XH; các Chương trình Mục tiêu quốc gia được triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Tập trung thi công các dự án giao thông trọng điểm, giao thông đối ngoại, các tuyến đường liên tỉnh, liên vùng. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng dạy và học, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của Nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định.
Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng, chỉ số PCI năm 2022 tăng so với năm 2021. Công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xúc tiến du lịch, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử được triển khai tích cực, đồng bộ, hiệu quả. Công tác quốc phòng được bảo đảm; an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, đường biên, mốc giới được giữ vững. Hoạt động đối ngoại đạt được kết quả tích cực.
Phiên họp đã thảo luận, làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục các chỉ tiêu đạt thấp như: Kinh tế 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp so với cùng kỳ; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 1,18%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt thấp; tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một số dự án chậm. Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại cấp huyện, xã còn lúng túng; tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư và giải ngân vốn chậm. Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động còn hạn chế. Công tác cải cách hành chính ở một số lĩnh vực thực hiện chưa đồng bộ…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Kim Tiến) |
Tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị các sở, ngành, địa phương cần có giải pháp căn cơ, cụ thể, quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển KT – XH. Tập trung xây dựng kịch bản, các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Cùng với đó, chủ động đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai, xây dựng,… đảm bảo bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án đúng tiến độ.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH đảm bảo tiến độ, hiệu quả theo kế hoạch đề ra. Thực hiện các chương trình cho vay tín dụng chính sách; giám sát việc cho vay và hỗ trợ lãi suất đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả. Thực hiện nghiêm công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; tập trung đẩy mạnh triển khai các nội dung về chuyển đổi số đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trên địa bàn tỉnh năm 2023. Thực hiện tốt công tác lập Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch xây dựng.
Các sở, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất nông - lâm nghiệp; công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, tín dụng; thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã. Tiếp tục thực hiện tốt các lĩnh vực văn hoá, xã hội; công tác nội vụ, cải cách hành chính, thanh tra, tiếp công dân; công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại trên địa bàn…
Phiên họp cũng xem xét và cho ý kiến vào tờ trình của các sở, ngành về việc điều chỉnh và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025 nguồn thu sử dụng đất và ngân sách tỉnh; về việc trình ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; về đề nghị ban hành Quyết định quy định một số nội dung về trợ cấp gạo bảo vệ rừng và phát triển rừng thuộc Tiểu dự án 1, dự án 3, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh; đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh./.