Phòng ngừa từ sớm, từ xa đối với các hành vi phạm tội trong giới trẻ
(ĐCSVN) - Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) cho biết, vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay, đó là đối tượng phạm tội vi phạm pháp luật và tham gia tệ nạn xã hội đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Chiều ngày 26/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024…
Cần đánh giá tình hình tội phạm có xu hướng trẻ hoá
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) chỉ ra có một vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay, đó là đối tượng phạm tội vi phạm pháp luật và tham gia tệ nạn xã hội đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Tình trạng các cháu thanh, thiếu niên tụ tập sử dụng hung khí, vũ khí nóng giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, người dưới 18 tuổi gây án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng diễn biến phức tạp. Số người trẻ tuổi sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, xuất hiện nhiều đường dây mua bán trái phép các loại ma túy, hướng đến nhóm đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TL. |
Trước thực trạng rất đáng lo ngại này, đại biểu đề nghị ngoài việc tăng cường và tổ chức thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo, cần thiết phải nghiên cứu sâu và đề ra giải pháp tổng thể để huy động toàn xã hội tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhà trường và đặc biệt vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục, quản lý con em và sự nêu gương của cha mẹ đối với con cái để xây dựng về nhân cách, đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật cho các cháu ngay từ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng; phải coi đây là một trong những biện pháp cơ bản, quan trọng nhất của phòng ngừa từ sớm, từ xa đối với các hành vi phạm tội và tệ nạn xã hội trong giới trẻ phục vụ tốt cho công tác giáo dục, phòng ngừa chung.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, phải đánh giá khách quan tình hình một số tội phạm có xu hướng tăng, nhất là tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên. “Phải chăng ở lứa tuổi này do sự chịu giáo dục của gia đình, ở nhà trường, xã hội còn hạn chế, đua đòi, học hỏi thói hư tật xấu, bỏ học sớm, thành lập hội nhóm theo kiểu giang hồ, kinh tế gia đình là khó khăn, thất nghiệp, bị tiêm nhiễm mạng xã hội có nội dung xấu mà người dân rất quan tâm nhiều để có biện pháp, giải pháp hữu hiệu khắc phục trên tất cả các lĩnh vực”, đại biểu đặt vấn đề.
Đồng thời, theo đại biểu, cần tập trung quyết liệt công tác giáo dục, tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, địa bàn nông thôn, biên giới để cho người dân ý thức, nhận thức, cảnh giác, phòng ngừa, phòng chống các loại tội phạm, quản lý giáo dục con em mình, người thân trong gia đình góp phần đẩy lùi có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là trong giới trẻ bỏ học, thất nghiệp, sống đua đòi, buông thả; nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong quản lý với vai trò của cha mẹ và của nhà trường.
Phát huy vai trò của người dân trong phòng, chống tham nhũng
Quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) chỉ rõ: Ba lực lượng quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực là người dân, các cơ quan pháp luật và báo chí, truyền thông thời gian qua được phát huy mạnh mẽ, các bài học kinh nghiệm được chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ như sự cố gắng, chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, nhất là các cơ quan kiểm tra, nội chính, công an, quân đội, tòa án, kiểm sát, tư pháp, thanh tra, kiểm toán. Sự chủ động vào cuộc rất tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân... Các nhận định trên hoàn toàn đúng đắn và chính xác. Tuy nhiên, theo đại biểu, người dân không chỉ đồng tình, ủng hộ mà người dân còn tham gia vào quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà công cụ quan trọng nhất là phản ánh và tố cáo các hành vi tham nhũng, tiêu cực, cho nên cần phát huy vai trò của người dân trong công tác này. Bởi vậy, Chính phủ cần đánh giá thêm về vai trò của người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý để phát huy vai trò của người dân trong công tác này, cần đặt vấn đề nghiên cứu thí điểm các hình thức phản ánh, tố cáo tham nhũng qua điện thoại, đường dây nóng trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.
Nêu báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy tội tham ô tài sản tăng 45,61%, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) cho rằng vấn đề này cần phải được tổ chức nghiên cứu nghiêm túc để làm rõ nguyên nhân, điều kiện tội phạm, kiểm tra, rà soát chặt chẽ để phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, về đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý dự án đầu tư để giúp cho việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn đối với loại tội phạm này trong thời gian tới…/.