Trách nhiệm người đứng đầu
(ĐCSVN) - Được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng, các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã và đang được khẩn trương triển khai. Đặc biệt, cùng với việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, các cấp các ngành, Chính phủ sẽ quyết liệt trong việc quy trách nhiệm rõ ràng đối với người đứng đầu.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: H.N) |
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, việc Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ký ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chỉ thị 01 và Công điện số 126/CĐ-TTg về việc đôn đốc triển khai khẩn trương, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp để đưa nền kinh tế phục hồi, phát triển bền vững.
Điều đó cũng có nghĩa, đã đến lức chúng ta không thể chần chừ trong thực hiện nhanh, hiệu quả các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phân tích, dù tăng trưởng GDP năm 2021 đạt mức 2,58% - mức khá tích cực trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp và nền kinh tế, nhưng đó là mức tăng trưởng thấp. Thực tế, Việt Nam đang hồi phục chậm hơn so nhiều nền kinh tế trên toàn cầu. Vì vậy, cùng với chính sách tài khóa và tiền tệ, đầu tư công được xem là một trong những giải pháp quan trọng để vực dậy nền kinh tế.
Đó cũng chính là lý do mà ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, tạo tính lan tỏa tới các ngành nghề khác trong nền kinh tế.
Thực tế minh chứng, không phải đến bây giờ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới tập trung đẩy mạnh đầu tư công. Mà trong suốt cả năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục ra văn bản chỉ đạo các bộ và địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn để tạo sức bật cho nền kinh tế những tháng cuối năm 2021 – thời điểm các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Và nhiệm vụ này sẽ tiếp tục trong năm 2022, khi đầu tư công được xem là một trong những cấu phần quan trọng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh những giải pháp về tài khóa và tiền tệ.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi tới các bộ và địa phương đề nghị nhanh chóng bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022, danh mục nhiệm vụ, dự án, phương án bố trí vốn trong hai năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tại Phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 18/2/2022.
Điều này cho thấy áp lực giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ đặt ra cho các bộ và địa phương ngay từ những ngày đầu năm, nhằm tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm tất tả” như giai đoạn trước. Nhất là trong bối cảnh việc quản lý đầu tư công đã được phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Và các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động lựa chọn danh mục dự án, giao kế hoạch vốn và điều chỉnh kế hoạch.
Không phải ngẫu nhiên mà Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, việc triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế. Đây cũng là năm đầu tiên của tiến trình phục hồi, đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có đầu tư công phải rất quyết liệt.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định, về đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, tập trung vào những dự án hạ tầng chiến lược quốc gia, nhất là các dự án hạ tầng giao thông ở Nam bộ, Đông Nam bộ. Đây là vùng giao thông ách tắc hơn những vùng khác, là nơi đang cần tháo gỡ các điểm nghẽn về giao thông. Thủ tướng đã đi đến tận các dự án, đã gửi thông điệp về áp lực thực thi tới những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, trong đầu tư công, sẽ cần làm rốt ráo ba việc: giao hết vốn, giải ngân hết số vốn đã giao, thực hiện hiệu quả các nguồn vốn. Nhưng phần việc này không được thực hiện tốt trong những năm trước. Năm nay, quy mô vốn đầu tư công lớn hơn, đòi hỏi phải tập trung hơn rất nhiều.
Thực tế, theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua, nguồn lực đầu tư công đã được bổ sung và thực hiện chủ yếu trong hai năm 2022 – 2023. Vì vậy, áp lực giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu trong hai năm 2022 - 2023 là lớn vì ngoài số vốn Quốc hội quyết định kế hoạch năm 2022 - 2023 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình. Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lựa chọn dự án có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án phân bổ dự toán bổ sung năm 2022 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, tổ chức thực hiện linh hoạt giữa Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn của Chương trình. Việc triển khai xây dựng danh mục dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình cũng sẽ nhanh chóng được triển khai ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc triển khai thực hiện Chương trình và Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai... sẽ được ưu tiên phân bổ cho các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn để đẩy nhanh tiến độ, giải ngân sớm số vốn sẽ được giao theo tiến độ của kế hoạch trung hạn. Tương tự như vậy, đối với năm 2023, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định chung với kế hoạch và dự toán của năm 2023. Đến năm 2024 - 2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ có dư địa nguồn lực do nhiều dự án đã được bố trí, giải ngân trước từ những năm 2022–2023.
Dư địa này sẽ được dùng để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, số vốn thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15 sẽ được sử dụng, giải ngân hiệu quả, tập trung cho hai năm 2022, 2023.
Về phía mình, theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2022, nghiêm túc thực hiện những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực đôn đốc, phối hợp các bộ, cơ quan trung ương thực hiện phân bổ, nhập dự toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các dự án để thực hiện.
Đồng thời nhận thức sâu sắc tinh thần tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về việc Chính phủ lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội và chỉ đạo các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, đảm bảo năng lực và khả năng thực hiện của dự án, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công.
Qua kinh nghiệm và thực tế của năm 2021 minh chứng, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý không nên xây dựng quá khả năng giải ngân của đơn vị mình. Trong đó, chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu có nguyên nhân từ quá trình thực hiện. Bởi thực tế cho thấy, cùng một cơ chế, chính sách nhưng nơi nào người đứng đầu có quyết tâm chính trị thì có kết quả giải ngân cao và ngược lại.
Với những gì đang diễn ra trong hai tháng đầu năm mới, có thể khẳng định, trong năm 2022, công tác điều hành đầu tư công của Chính phủ sẽ rất quyết liệt. Đặc biệt, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị, các cấp các ngành thì Chính phủ sẽ quyết liệt trong việc quy trách nhiệm rõ ràng, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ, chất lượng giải ngân vốn đầu tư công - một trong những yếu tố quan trọng trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng./.