Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổ chức Ngày hội Văn hoá các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị

Thứ Sáu, 07/06/2024 16:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một thế giới hòa bình”, Ngày hội Văn hoá các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị dự kiến diễn ra từ ngày 7-10/9/2024.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Kế hoạch số 2355/KH-BVHTTDL ngày 4/6/2024 về việc tổ chức Ngày hội Văn hoá các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, Ngày hội Văn hoá các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị dự kiến diễn ra từ ngày 7-10/9/2024 với sự tham gia của 17 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.

Tổ chức Ngày hội Văn hoá các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị. (Ảnh minh họa) 

Ngày hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo, phối hợp Ban, bộ, ngành tổ chức; các  đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Trị;  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở VHTT, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội; các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, dân tộc học tại các cơ quan, Cục, Vụ, Viện ở Trung ương và các địa phương thực hiện.

Lễ Khai mạc Ngày hội sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ 00 phút, ngày 08/9/2024 tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, số 01A đường Hùng Vương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; Truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (trực tiếp trên kênh VTV8 và tiếp sóng trên kênh VTV5) và tiếp sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội). Lễ Bế mạc Tổng kết Ngày hội diễn ra vào lúc 20 giờ 00 phút, ngày 10/9/2024.

 Ngày hội gồm nhiều hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch hấp dẫn. (Ảnh minh họa)

Ngày hội gồm nhiều hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch hấp dẫn như Liên hoan Văn nghệ quần chúng với phần trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc; độc tấu, hòa tấu nhạc cụ đồng bào dân tộc của địa phương; trình diễn Trang phục dân tộc truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc tại địa phương; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống; trưng bày ảnh “Các dân tộc thiểu số Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước”; triển lãm “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”...

Việc tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của của các dân tộc thiểu số trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; tạo điều kiện để các địa phương giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời góp phần xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/TWcủa Bộ Chính trị. Ngày hội cũng góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, cộng đồng dân tộc thiểu số làm du lịch gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.

Ngày hội cũng là cơ sở quan trọng để quảng bá văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số Việt Nam, nhằm thúc đẩy hiểu biết, tăng sự nhận diện bản sắc độc đáo của văn hóa từng vùng - miền, đưa Việt Nam trở thành điểm nhấn đáng chú ý trên bản đồ văn hóa toàn cầu với những đặc điểm riêng biệt.

H.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN